Bạc Liêu:

Cán bộ y tế gặp khó trăm bề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 11/8, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu gặp gỡ với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế. Chậm lương, nợ hàng tỷ đồng tiền thuốc, điều kiện cơ sở làm việc thiếu thốn là những khó khăn được nhiều nhân viên ngậm ngùi chia sẻ với lãnh đạo tỉnh.
Cán bộ y tế gặp khó trăm bề ảnh 1
Khám bệnh cho người dân ở Bạc Liêu. ẢNH: NHẬT HUY

3 tháng không lương

Bác sĩ Ngô Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP Bạc Liêu, cho biết, thành phố có mật độ dân số đông nhất tỉnh nhưng cơ sở khám chữa bệnh (KCB), buồng bệnh không đáp ứng được yêu cầu, trang thiết bị tối thiểu phục vụ người bệnh hồi sức đang thiếu.

“Các phòng làm việc của nhân viên y tế không thể ghép, cũng không thể chia nhỏ được nữa, hiện các y bác sĩ sử dụng phòng “3 trong 1”, nghĩa là vừa phòng hành chính, vừa là phòng trực, vừa là phòng trưởng khoa. Biên chế của TTYT TP Bạc Liêu chỉ bằng nửa các TTYT khác. Từ đầu năm đến nay đã có 4 bác sĩ của TTYT xin nghỉ việc vì nhiều lý do nhưng theo tôi nghĩ không phải họ ngại khó, sợ hy sinh”, bà Phượng nói.

Theo lãnh đạo TTYT TP Bạc Liêu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa chấp nhận thanh toán số tiền (vượt tổng mức thanh toán) KCB BHYT cho cơ sở từ những năm 2018, 2019, 2020 (khoảng 20 tỷ đồng). Do vậy TTYT TP Bạc Liêu nợ tiền thuốc gần 7,5 tỷ đồng từ năm 2018 đến nay.

“Việc này dẫn đến hậu quả là việc cung ứng thuốc không đáp ứng nhu cầu KCB; không có kinh phí để trả lương cho nhân viên khối điều trị, có thời điểm nhân viên chúng tôi 3 tháng không có lương. Trong 3 năm gần đây, đa số nhân viên không có thu nhập gì thêm ngoài lương”, bà Phượng cho biết.

Tương tự, ông Lâm Hoàng Thống, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ TTYT huyện Hồng Dân cho biết, TTYT chưa được thanh toán chi phí vượt dự toán trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 với tổng số tiền gần 18,3 tỷ đồng...

“Công việc chăm sóc người bệnh phải luôn túc trực hằng đêm tại bệnh viện. Khi bệnh nhân cần, cộng đồng cần, chúng tôi sẵn sàng tạm xa gia đình để tham gia phòng chống dịch.

Tuy nhiên, việc khó khăn về kinh phí, nhân viên y tế không có thu nhập tăng thêm, điều này ít nhiều tác động đến tư tưởng phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, dù rất yêu nghề nhưng đã có nhiều lúc, nhiều nơi nhân viên đã nghỉ việc”, ông Thống giãi bày.

Ngậm ngùi bỏ việc

Theo ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, tại một số đơn vị, cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư không đồng bộ, phải nâng cấp, sửa chữa nhiều giai đoạn, mở rộng chưa kịp thời theo quy mô giường bệnh kế hoạch được giao trong khi tỉnh chưa có các bệnh viện chuyên khoa Sản- Nhi, Y học cổ truyền nên tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng KCB.

Các chế độ đãi ngộ, chính sách về lương, phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, biên chế được giao ít, trong khi áp lực công việc quá lớn, đặc biệt khi dịch COVID-19 xảy ra như thời gian qua. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc, bỏ việc có chiều hướng gia tăng những năm gần đây. Năm 2020 có 26 cán bộ bỏ việc, năm 2021 là 33 và 6 tháng đầu năm 2022 là 28.

Theo ông Nam, hiện nay các cơ sở tuyến huyện rất khó khăn về tài chính, thậm chí có đơn vị không có kinh phí trả lương cho viên chức, người lao động, không đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ người bệnh. Việc tổ chức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch còn nhiều bất cập, vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong việc thanh toán cho đơn vị cung cấp.

Qua kết luận thanh tra, có nhiều tập thể, cá nhân phải giải trình, kiểm điểm… ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nhân viên y tế và hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị còn nhiều vướng mắc, bất cập, trong khi ngành Y tế không có cán bộ đủ năng lực thực hiện…

Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu kiến nghị lãnh đạo tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018 của Chính phủ theo hướng bãi bỏ việc thanh toán chi phí KCB BHYT dựa trên tổng mức thanh toán như hiện nay. Có chế độ, chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở ngoài các chế độ phụ cấp hiện nay…

Ðấu thầu mua sắm

Tại buổi gặp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chia sẻ những khó khăn của ngành Y tế thời gian qua, chủ yếu xoay quanh cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách.

“Lãnh đạo tỉnh tiếp thu những kiến nghị của ngành, đề nghị các sở, ngành liên quan sớm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để giải quyết sớm nhất cho ngành Y tế. Không để thiếu thuốc điều trị cho người dân; không được để vắc xin phòng COVID-19 hết hạn. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố quan tâm nhiều hơn nữa, chỉ đạo sâu sát, kịp thời để ngành Y tế chăm lo sức khỏe cho người dân để phát triển kinh tế xã hội…”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, sự cố trong ngành Y tế cả nước vừa qua đã tác động rất lớn đến công tác đấu thầu mua sắm. Đề nghị Sở Y tế tham mưu để thành lập một tổ chuyên môn về công tác đấu thầu, để thực hiện công tác này hiệu quả.

Ông Thiều đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp thu tối đa chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, trong khi ngân sách còn khó khăn, cần tiết kiệm chi để bổ sung cho đội ngũ nhân viên y tế.

“Những phản ánh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, cái gì làm được là làm ngay chứ không hứa hẹn. UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh để có một cơ chế giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói.

MỚI - NÓNG