Việc lạm dụng bản sao có chứng thực không chỉ gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội mà còn tạo áp lực, quá tải đối với UBND cấp phường, xã, mặc dù Chính phủ đã có quy định chỉ cần đối chiếu bản chính.
“Gồng gánh” giấy tờ
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện cấp phường, xã phải “gồng gánh” chứng thực hàng chục loại giấy tờ. Riêng chứng thực chữ ký văn bản tiếng Việt đã có rất nhiều loại như sơ yếu lý lịch; hưởng trợ cấp một lần; xác nhận giảm trừ gia cảnh; phiếu đăng ký tuyển sinh; xin đổi, cấp giấy phép lái xe; văn bản thỏa thuận cử người đại diện ghi tên vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thừa nhận con chung của vợ chồng; đồng ý cho người thân dẫn con đi tham quan, du lịch…
Tại P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), do nằm ở trung tâm TP nên mỗi ngày có khoảng 200 - 300 người dân đến chứng thực, sao y (chiếm khoảng 80 - 90% tổng số người đến giao dịch tại phường). Trung bình 1 ngày lãnh đạo UBND phường ký chứng thực, sao y bản chính khoảng 750 - 1.000 chữ ký. Trong các ngày có đông người đến sao y, trung bình 1 trường hợp mất 20 - 30 phút. Những trường hợp sao y trên 50 bản thì phường phải hẹn sang ngày hôm sau đến nhận kết quả vì ký không kịp. Ông Lê Tấn Đạt, Phó chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, ước: “Nếu giảm tải được công việc sao y chứng thực, lãnh đạo UBND phường có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đi xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và sâu sát với người dân hơn”.
Theo thống kê mới nhất của UBND TP.HCM, tổng số bản sao được chứng thực từ bản chính mà cấp phường, xã trên địa bàn TP đã ký từ ngày 30.6.2007 - 31.3.2014 lên đến hơn 88 triệu bản với lệ phí mà người dân phải nộp gần 300 tỉ đồng.
Một phường có... 20 ban chỉ đạo
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ) ví cấp phường, xã “như cái lu nước”. Việc gì cũng bị trút xuống dẫn đến quá tải làm phát sinh một thực trạng là nhiều việc liên quan đến đời sống dân sinh không được giải quyết kịp thời.
Đã thế, mô hình hành chính công “rập khuôn” cũng làm khổ các UBND phường, xã. Cụ thể cấp quận, huyện các ban chỉ đạo, hội đồng nào thì phường, xã cũng phải có ban chỉ đạo, hội đồng đó; và mỗi ban chỉ đạo, hội đồng đều yêu cầu phải có hoạt động báo cáo riêng.
Các phường ở Q.2 đều có đến 20 ban chỉ đạo (vì người nghèo, phòng chống dịch bệnh, phòng chống lụt bão, phòng chống dịch cúm gia cầm, hiến máu nhân đạo, an toàn giao thông, công tác gia đình, sinh hoạt hè, chống mù chữ…). Ngoài ra tại cấp phường còn có nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác khác theo yêu cầu, nhiệm vụ của quận, như nhận ủy thác và quản lý các nhóm hộ tự quản vay vốn cho hộ nghèo, hội đồng xác định mức độ khuyết tật, ban chỉ đạo tổng kiểm kê đất đai, thực hiện cải cách hành chính…
Tại Q.Phú Nhuận, một chủ tịch UBND phường thường xuyên kiêm khoảng 14 ban chỉ đạo; tại Q.Bình Thạnh kiêm khoảng 20 ban chỉ đạo. Riêng các phó chủ tịch UBND phường làm trưởng ban từ 7 - 10 ban chỉ đạo…
Ngập trong kế hoạch, báo cáo
Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7, một phường ở Q.Phú Nhuận làm 50 kế hoạch, 130 báo cáo, 150 công văn trả lời cho quận và ngành cấp trên (không tính các công việc cán bộ, công chức phường phải làm thêm như điều tra dân số, điều tra cung cầu lao động, điều tra trình độ văn hóa...). Tương tự, một phường ở Q.Bình Thạnh làm khoảng 60 công văn, 34 báo cáo mỗi tháng gửi lên cấp trên.