Cán bộ phải bỏ tiền túi bồi thường: Góp phần hạn chế án oan

Ông Huỳnh Văn Nén.
Ông Huỳnh Văn Nén.
TPO - Việc Bộ Tài chính có công văn gửi TAND Tối cao về việc cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho ông Huỳnh Văn Nén, đồng thời đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền của người thi hành công vụ gây ra oan sai sẽ góp phần hạn chế án oan.

Đó là quan điểm của luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh nội dung công văn mới đây của Bộ Tài chính gửi TAND Tối cao về việc cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho ông Huỳnh Văn Nén.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010.cho biết

Đây là đạo luật đầu tiên ở nước ta quy định đầy đủ, đồng bộ tất cả các vấn đề liên quan đến chế độ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ như đối tượng được bồi thường; Cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường; các loại thiệt hại và mức thiệt hại được bồi thường; thủ tục giải quyết bồi thường; Kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

"Luật đã quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra trong ba lĩnh vực hoạt động là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Trong đó, bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính và thi hành án có liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp.

Cũng theo quy định của Luật, Nhà nước không chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các hành vi chủ động của cán bộ, công chức gây ra mà còn phải bồi thường đối với cả các thiệt hại do việc cán bộ, công chức không thực hiện công vụ mà theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức phải làm. Việc thực thi Luật không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị cán bộ, công chức nhà nước có hành vi trái pháp luật, gây ra thiệt hại trong khi thi hành công vụ mà còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước" - luật sư Tuấn Anh cho biết.

Hiện nay, để điều chỉnh mối quan hệ này, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến Nghị định, Thông tư, Thông tư liên bộ…. để áp dụng trên thực tế. Có thể kể đến một số văn bản như: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước năm 2009; Nghị định số: 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước; Thông tư liên tịch số: 22/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; Thông tư liên tịch số: 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số: 01//TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số: 05/2012….

Cán bộ phải bỏ tiền túi bồi thường: Góp phần hạn chế án oan ảnh 1

Luật sư Trần Tuấn Anh.

Việc xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền của người thi hành công vụ đã gây ra oan sai (trong trường hợp này là bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén - SN 1962, trú tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận), luật sư Tuấn Anh cho rằng: “Đây là việc làm phù hợp với quy định của pháp luật về bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như đúng với quy định tại Thông tư liên tịch số: Số: 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ”.

“Ở đây chúng ta cần phải hiểu rằng, khi thực hiện công vụ bản thân những người tiến hành tố tụng là nhân danh Nhà nước, thực hiện chức năng được Nhà nước giao phó, chứ không phải nhân danh cá nhân người thực hiện. Chính vì vậy, tinh thần chung của pháp luật là người của tổ chức gây ra thì tổ chức phải có trách nhiệm bồi thường trước, sau đó có quyền yêu cầu người thực thi công vụ hoàn trả lại số tiền đó lại cho Nhà nước mà ở đây chính là nộp lại vào ngân sách.

Bên cạnh đó, với nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường một cách nhanh chóng, kịp thời, toàn bộ thì việc ứng tiền ngân sách để bồi thường cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục một phần thiệt hại một cách kịp thời là một hành động phù hợp và nên làm” – luật sư Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, sau khi ứng trước tiền từ ngân sách để chi trả, việc yêu cầu người gây thiệt hại phải khắc phục toàn bộ số tiền đó cũng sẽ là một vấn đề nan giải. Bởi không phải cán bộ, công chức nào cũng có số tiền, tài sản lớn như vậy để khắc phục. Thậm chí có người đã chết hoặc không còn bất kỳ tài sản nào để có thể khắc phục, nộp lại. Như vậy, rõ ràng pháp luật đã quy định rất cụ thể, chi tiết, song việc thực thi trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn hoặc có trường hợp không thể thực hiện được vì những lý do bất khả kháng.

Theo quan điểm của luật sư việc truy thu tiền bồi thường oan sai (có thể lên tới hàng chục tỉ đồng) không phải “gây khó khăn, áp lực” mà chính là động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, những người nhân danh Nhà nước thực thi công vụ tăng cường trau dồi, học hỏi, tự hoàn thiện mình về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ trong quá trình thực thi công vụ nói chung và điều tra, truy tố, xét xử nói riêng. Có như vậy, sẽ góp phần hạn chế án oan và giải quyết được gốc rễ của vấn đề án oan trong hoạt động tố tụng.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.