Cán bộ hải quan tiếp tay trốn thuế

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.
TP - Các bị cáo ký hợp đồng mua rượu bia xuất khẩu sang Lào nhưng tiêu thụ trong nước để chiếm đoạt thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong vụ việc, có sự tiếp tay của cán bộ hải quan khi hợp thức hóa các hồ sơ thực xuất.

Bỏ lọt tội phạm?

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Hồ Văn Hải – nguyên Giám đốc Cty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại lĩnh án về tội trốn thuế, gồm Nguyễn Thị Kim Hạnh – nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội nhận 24 tháng tù treo; Hoàng Văn Xưởng – Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân 42 tháng tù; Đinh Thị Minh Hoa (vợ Xưởng) 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Quỳnh Trang – nguyên chuyên viên Phòng Phát triển thị trường Halico 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Thủy – nhân viên Ngân hàng NN&PTNT 20 tháng tù treo.

Theo cáo trạng, năm 2008, vợ chồng Xưởng – Hoa thành lập Cty Hoàng Lân rồi liên hệ với Hồ Văn Hải xin làm trung gian xuất khẩu rượu sang Lào. Hải đồng ý và giao Trang phối hợp với Cty Hoàng Lân thực hiện. Sau đó, Halico bán cho Cty Hoàng Lân hơn 5 nghìn thùng rượu xuất khẩu nhưng vợ chồng Xưởng lại bán cho các khách hàng tại Hà Nội nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế xuất khẩu rượu bia.

Năm 2009, Trang phát hiện sự việc nhưng bị vợ chồng Xưởng “bịt miệng” với giá 30.000 đồng/thùng. Trang báo cáo Hải rằng Cty Hoàng Lân tiêu thụ một phần rượu ở trong nước để lấy chi phí cho hoạt động của Cty, được Hải đồng ý. Sau đó, Halico tiếp tục bán hơn 22.400 thùng rượu cho Hoàng Lân. Vài tháng sau, các đại lý phản ánh việc rượu xuất khẩu được bán ở trong nước, ảnh hưởng tới giá cả nên Halico phải dừng việc thực hiện hợp đồng với Hoàng Lân.

Năm 2010, Xưởng lại xin ký hợp đồng xuất khẩu rượu và được Hải đồng ý, hướng dẫn gặp Nguyễn Hồng Tiến – Trưởng phòng Phát triển thị trường Halico để thực hiện. Các bị cáo thống nhất Tiến sẽ được chia 22.000 đồng/thùng và chịu trách nhiệm trước các phòng ban của Halico trong trường hợp bị các đại lý khác phát hiện không xuất rượu ra nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bị cáo Hải cho rằng, việc này là bỏ lọt tội phạm bởi Tiến là người trực tiếp bàn bạc, thực hiện trốn thuế với Hoàng Lân và có hưởng lợi. Mặt khác, quyết định bán rượu cho Cty Hoàng Lân chỉ được thực hiện sau khi có sự thống nhất giữa lãnh đạo Halico và Phòng Phát triển thị trường.

Hải cũng kêu oan vì không chỉ đạo, tham gia bàn bạc ăn chia nên không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn. Sau nghị án, Tòa nhận định Hải không bàn bạc và có động cơ vụ lợi nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát của mình nên chuyển tội danh cho Hải sang tội thiếu trách nhiệm…

Cán bộ hải quan đồng phạm trốn thuế

Cũng trong năm 2010, Xưởng đặt vấn đề với Nguyễn Hồng Linh – Tổng giám đốc Tổng Cty CP Rượu – Bia – NGK Hà Nội (Habeco) để cho  Cty Hoàng Lân mua bia xuất sang Lào. Linh đồng ý và giới thiệu Xưởng gặp Nguyễn Tiến Dũng – Phó Phòng thị trường Habeco làm việc. Tổng cộng, Habeco đã bán cho Cty Hoàng Lân 54.000 thùng bia nhưng vợ chồng Xưởng- Hoa đã tiêu thụ một phần trong nước. Cáo trạng kết luận, các bị cáo đã tiêu thụ trong nước gần 50.000 thùng rượu và 22.255 thùng bia, chiếm đoạt hơn 13,2 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, HĐXX căn cứ vào kết luận giám định và tuyên các bị cáo chỉ chiếm đoạt thuế tiêu thụ đặc biệt, tổng số hơn 9,7 tỷ đồng.

Để hợp thức số rượu tiêu thụ trong nước, vợ chồng Xưởng nhờ Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Thị Kim Hạnh thực hiện thủ tục kê khai hải quan. Trên cơ sở hồ sơ do Thủy lập, Hạnh trực tiếp viết nội dung và các tài liệu rồi tự nhận là người đại diện của Cty Hoàng Lân đi khai – lấy kết quả hải quan ở chính nơi mình làm việc. Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã xác nhận, kẹp chì vào các container chở nước khoáng nhưng trên giấy tờ là rượu. Từ đó, các đối tượng lợi dụng việc phân loại “luồng xanh” (không phải kiểm tra hàng) để xin giấy xác nhận thực xuất tại cửa khẩu Cầu Treo.

Riêng với bia là hàng “luồng đỏ” (phải kiểm tra thực tế hàng hóa), Hạnh trao đổi với 2 cán bộ Hải quan Bắc Hà Nội, nói Cty Hoàng Lân là của người nhà mình cần đi hàng gấp. Các cán bộ này nể Hạnh là Đội phó trong cơ quan nên đóng dấu xác nhận đã kiểm tra hàng. Cơ quan điều tra xác định, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội có 13 công chức tham gia tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cho Cty Hoàng Ngân; tại cửa khẩu Cầu Treo có 13 công chức làm thủ tục thông quan. Các cán bộ này giải trình vì quy định không bắt buộc kiểm tra kỹ nên không phát hiện sự bất hợp lý.

Cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Kim Hạnh, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, HĐXX xác định Hạnh không có chức vụ quyền hạn trong việc lập khống các hồ sơ xuất khẩu rượu bia nhưng là đồng phạm của Xưởng và Hạnh được chuyển tội danh sang tội trốn thuế.

MỚI - NÓNG