Cán bộ CSGT gây tai nạn ở Bình Dương sẽ bị xử lý thế nào?

Cán bộ CSGT gây tai nạn ở Bình Dương sẽ bị xử lý thế nào?
TPO - Cán bộ CSGT tên P.H.A thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương lái xe công vụ trong ngày nghỉ gây tai nạn chết người vừa bị đình chỉ công tác. Ngoài ra, nếu cán bộ CSGT được xác định có nồng độ cồn trong máu khi lái xe có thể bị tước quân tịch theo quy định của Bộ Công an.

Trước đó, vào tối ngày 9/6 (ngày chủ nhật) P.H.A (30 tuổi) là cán bộ thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đã lái xe công vụ của đơn vị. Khi điều khiển xe ô tô trên đường liên xã đoạn thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng theo hướng về TP. Thủ Dầu Một thì xảy ra tai nạn.

Cán bộ CSGT gây tai nạn ở Bình Dương sẽ bị xử lý thế nào? ảnh 1 Cán bộ CSGT lái xe gây tai nạn bị đình chỉ công tác

Chiếc xe được cho là đã mất lái tông hàng loạt sạp trái cây bên đường và chỉ dừng lại khi tông vào cửa sắt của một cửa hàng vật liệu xây dựng. Tài xế A. cùng một người đi theo (chưa xác định danh tính) bị kẹt cứng sau khi chiếc xe biến dạng. Sự việc khiến người dân bức xúc vì chiếc xe gây tai nạn là xe CSGT và người tài xế mặc thường phục trong tình trạng không tỉnh táo.

Vụ tai nạn làm anh N.T.A (23 tuổi, quê Đồng Nai) tử vong sau khi được cấp cứu tại bệnh viện. Ngay sau khi xảy ra tại nạn, lực lượng chức năng đến phong tỏa hiện trường đều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, việc tài xế có nồng độ cồn khi lái xe hay không thì cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Liên quan đến vụ tai nạn trên, một trung tá công an (xin dấu tên) cho biết tài xế P.H.A người lái xe gây tai nạn có thể bị tước quân tịch theo đề xuất của Bộ Công an về hình thức kỷ luật cán bộ trong trường hợp xác định có nồng độ cồn trong máu khi lái xe.

Cán bộ CSGT gây tai nạn ở Bình Dương sẽ bị xử lý thế nào? ảnh 3 Chiếc xe gây tai nạn chết người

Theo đó, Bộ Công an vừa đề xuất hình thức kỷ luật "Giáng cấp bậc hàm hoặc hạ bậc lương" với cán bộ, chiến sỹ vi phạm một trong các quy định trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sau đây: Lái xe gây tai nạn làm người khác bị thương nhưng bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc rời khỏi khỏi hiện trường không có lý do chính đáng, cố ý không cứu giúp người bị nạn; Lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây tai nạn làm người khác bị thương.

Bộ Công an cũng đề xuất hình thức kỷ luật "Tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc đối với công nhân công an" với các trường hợp vi phạm một trong các quy định trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sau đây (nếu được miễn trách nhiệm hình sự): Tham gia giao thông gây tai nạn chết người nhưng bỏ chạy hoặc rời khỏi khỏi hiện trường không có lý do chính đáng; Lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép gây tai nạn chết người.

“Theo quy định tại Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: Điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tài xế có bị xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào hậu quả xảy ra. Trong trường hợp tài xế gây hậu quả cho dù nạn nhân có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng vẫn tiến hành theo luật chứ không phụ thuộc vào nạn nhân”, một cán bộ công an cho biết.

Nguồn tin riêng của PV báo Tiền Phong cho hay, chiếc xe CSGT gây tai nạn ở Bình Dương làm một người chết không phải đang đi làm nhiệm vụ tuần tra. Tuy nhiên, việc lấy xe công vụ để di chuyển ra ngoài cơ quan không phải đơn giản. Cụ thể, chiếc xe gây tai nạn được điều động trong các trường hợp, đưa đón lãnh đạo đi công tác đột xuất hoặc theo kế hoạch trước đó. Do đó, với vị trí của cán bộ P.H.A thì không đủ tiêu chuẩn để được điều xe công vụ vụ kể cả đi tuần tra. Bởi vì, tổ tuần tra có phân loại xe khác.

MỚI - NÓNG