“Căn bệnh” của ngành thuế

“Căn bệnh” của ngành thuế
TP - Tình trạng nợ đọng, thất thu, trốn thuế được rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nói về thực trạng này, có đại biểu đánh giá, tình trạng nợ đọng thuế đang trở thành “căn bệnh” lây lan đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Theo nhìn nhận của đại biểu Phạm Văn Hòa, cái được của ngành thuế vừa qua là có nhiều cố gắng trong cải cách thủ tục, nợ thuế được khắc phục theo từng năm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những bất cập, chưa thể hiện đầy đủ sự minh bạch, gây nhiều bức xúc. Đáng lưu ý là tình trạng thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế nhằm giảm số thuế phải nộp, hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại.

Không chỉ vậy, việc kê khai khoản nộp thuế cũng chưa rõ ràng, minh bạch để có lợi cho người nộp và có thể cũng có “thuận lợi” cho cán bộ thuế. Từ đó dẫn đến thất thu ngân sách, không công bằng giữa các doanh nghiệp, làm triệt tiêu tính cạnh tranh lành mạnh, thay vào đó là cạnh tranh tiêu cực thông qua các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cán bộ thuế, gây so bì trong cộng đồng doanh nghiệp. Đại biểu đoàn Đồng Tháp còn đưa ví dụ, Grab taxi vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm hoạt động đã báo lỗ 938 tỷ đồng. “Báo lỗ cũng có thể là trốn thuế”, ông Hòa đánh giá.

Cùng với đó, một số đại biểu còn chỉ ra tình trạng thất thu thuế trước các loại hình kinh doanh mới. Điển hình như tình trạng thất thu thuế những khu đất vàng của các thành phố lớn, hay các loại hình kinh doanh qua mạng… Có đại biểu còn đề nghị người đứng đầu ngành tài chính đánh giá, xem con số nợ đọng thuế 73.000 tỷ đồng ở Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực là cao hay thấp?

Lý giải về “căn bệnh” đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong quá trình làm, không loại trừ có sự thông đồng giữa cán bộ thuế với các hộ kinh doanh hạ mức khoán ăn chia. “Đó là một thực tế chúng tôi cũng thấy như vậy”, ông Dũng thừa nhận, đồng thời cho hay, thời gian qua đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực thi công vụ của cấp dưới.

Kết quả là, rất nhiều các cơ sở kinh doanh phải tăng mức khoán và được điều chỉnh trong năm cũng như điều chỉnh cho năm sau. Bộ trưởng thừa nhận đây là một thực tế và chúng ta phải tiếp tục làm minh bạch hơn. Đồng thời, ông cũng đưa ra sự so sánh, số nợ đọng thuế của Việt Nam “tương đương” với các nước như Lào, Campuchia, còn so với các nước khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) thì “cao hơn một chút”.

MỚI - NÓNG