Cần 350 tỷ đồng để xem World Cup 2022

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong thời buổi giá cả leo thang, đôi khi chúng ta phải từ bỏ một số thói quen, như xem bóng đá mùa World Cup. Với mức giá 350 tỷ đồng, sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 là một thách thức lớn với các đơn vị truyền thông tại Việt Nam.

Chỉ còn 115 ngày nữa World Cup 2022 sẽ chính thức khởi tranh. Trong danh sách mới nhất được công bố bởi FIFA, đã có 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có bản quyền phát sóng giải đấu tại Qatar. Việt Nam không nằm trong số đó.

Lý do nằm ở mức giá mà Infront Sports & Media, đơn vị được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2022 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đưa ra quá cao, lên đến 15 triệu USD, tức hơn 350 tỷ đồng. Mặc dù được độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và truyền phát trên di động, Internet, song số tiền đầu tư quá lớn khiến bài toán thu hồi vốn thực sự khó giải.

Cách đây 4 năm, Việt Nam là nước cuối cùng có bản quyền truyền hình World Cup 2018. Với mức giá 12 triệu USD, VTV đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của 2 doanh nghiệp lớn để có được thỏa thuận vào phút chót. Bây giờ, gói World Cup 2022 tăng lên 30%. Trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch, các đối tác thương mại đều rơi vào tình cảnh khó khăn, bù đắp chi phí 350 tỷ đồng thông qua quảng cáo là nhiệm vụ khó khăn.

Cần 350 tỷ đồng để xem World Cup 2022 ảnh 1

World Cup 2022 sẽ khởi tranh sau 115 ngày nữa và Việt Nam vẫn chưa có bản quyền phát sóng

Cuộc chơi World Cup đang ngày một đắt đỏ và thách thức giới hạn chịu đựng của các đơn vị truyền hình. Hồi World Cup 2014, mức giá rơi vào khoảng 7 triệu USD. Ở 2 kỳ trước đó, World Cup 2010 và 2006, chi phí chỉ là 2,7 triệu và 2 triệu USD. Dĩ nhiên không riêng Việt Nam, những nước khác cũng kêu trời. 5, 15, 20 rồi 25 triệu USD là số tiền mà các đài truyền hình Singapore đã trả để giành quyền phát sóng 4 kỳ World Cup gần nhất. Tại Australia, đài SBS đã thở phào khi ĐTQG giành vé tới World Cup 2022, trút nỗi lo về khoản tiền 20 triệu USD được chi ra cho World Cup 2022.

Thật ra không riêng gì Việt Nam, hiện tại Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar cũng chưa có bản quyền World Cup 2022. Con số mà Infront đưa ra khiến các quốc gia phải cân nhắc, đồng thời tìm kiếm nhà tài trợ hoặc kêu gọi chung vốn. Nhiều năm trước, nhà phân tích Aravind Venugopal của Media Partners Asia đã dự đoán rằng Đông Nam Á ngày càng trả nhiều tiền hơn để xem World Cup. Khu vực với 682 triệu dân, chiếm 8,57% dân số thế giới, đồng thời nổi tiếng cuồng bóng đá khiến những đơn vị phân phối bản quyền thoải mái đưa ra mức giá cao. Họ nhận định các đài truyền hình dễ dàng thu hồi vốn dựa trên quảng cáo hoặc lượng khán giả trả phí.

Hồi tháng 3, FIFA đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD doanh thu trong chu kỳ 4 năm từ 2019 đến 2022. Con số kỷ lục này chủ yếu nhờ World Cup 2022, được dự báo đem về 4,666 tỷ USD và 2,460 tỷ USD trong số đó đến từ bản quyền truyền hình. Dựa trên các hợp đồng đã và dự kiến sẽ đạt được, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tự tin tuyên bố World Cup 2022 ​​sẽ có 5 tỷ người theo dõi trên toàn thế giới, vượt xa kỷ lục 3,5 tỷ người khi giải đấu được tổ chức ở Nga.

Thật khó hình dung ra viễn cảnh các khán giả Việt Nam không nằm trong số 5 tỷ người kia. Từ năm 1982 chúng ta đã bắt đầu thưởng thức trực tiếp các trận đấu ở World Cup trên sóng truyền hình, tất cả nhờ trạm thu phát sóng Hoa Sen và Liên Xô cho tiếp sóng trực tiếp. Theo thời gian, World Cup trở thành món ăn không thể thiếu, tạo nên những mùa hè sôi động ăn ngủ cùng bóng đá.

Vì vậy, tất cả sẽ cùng hy vọng vào những thay đổi tích cực trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, trong trường hợp Infront không nhượng bộ và các đơn vị truyền thông Việt Nam hết cách, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải từ bỏ thói quen.

MỚI - NÓNG