Cần 30 tỷ đô la ODA trong 5 năm tới

Tại CG 2009, các nhà tài trợ cam kết viện trợ ODA đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD
Tại CG 2009, các nhà tài trợ cam kết viện trợ ODA đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD
TP - Tại Hội nghị CG 2010 khai mạc ngày 7-12, các nhà tài trợ khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát một cách hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định: Sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.
Tại CG 2009, các nhà tài trợ cam kết viện trợ ODA đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD
Tại CG 2009, các nhà tài trợ cam kết viện trợ ODA đạt mức kỷ lục 8 tỷ USD . Ảnh: Phong Cầm

Chính sách tiền tệ hợp lý

Theo ông Tanizaki Yasuaki - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ông Tanizaki Yasuaki kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần có ngay các biện pháp mạnh mẽ để trấn an người dân cùng các nhà đầu tư, các đối tác phát triển, nhằm gia tăng niềm tin vào đồng tiền nội địa.

Trước tình trạng lạm phát cao, nhiều nhà tài trợ lo ngại đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách thân thiện hơn với thị trường để đạt mục tiêu bình ổn giá, sử dụng nhiều hơn chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần phải tập trung xoáy vào kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

Theo ông Simon Andrews - Giám đốc khu vực Cty Tài chính Quốc tế, Việt Nam đang ở vị thế mới, vị thế của quốc gia có thu nhập trung bình thấp sau một thời gian dài là quốc gia có thu nhập thấp nhưng vẫn còn thách thức... Phải làm sao để nâng cao chất lượng tăng trưởng và tiếp tục khẳng định rằng khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước” - ông Simon Andrews bình luận.

Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: Trong trung hạn, thị trường ngoại hối chỉ có thể ổn định nếu chính sách tiền tệ được tái định hướng nhằm đạt mức lạm phát gần hơn với trung bình khu vực ASEAN, khoảng 3-4%, thông qua việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với các mức trong những năm gần đây.

“Chúng tôi tin Chính phủ Việt Nam sẽ theo đuổi một gói gắn kết các biện pháp thắt chặt, gồm tăng lãi suất chính sách cao hơn và củng cố ngân sách lớn hơn”, đại diện IMF nêu quan điểm.

ODA - Sử dụng hiệu quả hơn

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và cho biết, tuy đã ra khỏi danh sách nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tại CG 2009, tổng mức viện trợ ODA được công bố đạt mức kỷ lục, hơn 8 tỷ USD. Các dòng vốn FDI và chuyển tiền tư nhân vẫn mạnh, những luồng vốn này cùng với vốn ODA thừa sức tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai”, đại diện IMF cho biết.
Mức ODA cam kết hỗ trợ cho Việt Nam sẽ được công bố tại phiên bế mạc CG 2010 chiều nay (8-12). 

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong thời gian tới, cùng với nguồn lực trong nước, ODA vẫn tiếp tục là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam. Nhu cầu dự kiến cho giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 30 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, cùng với việc tăng cường cung cấp ODA cho Việt Nam, việc mở rộng đối tượng tiếp cận nguồn vốn ODA sang khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) là cần thiết, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, do khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp chững lại. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều chuyển biến tích cực về kết quả kinh doanh sau cổ phần hóa.

Trao đổi với các nhà tài trợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, nhằm mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát vừa ổn định kinh tế vỹ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG