Làm việc tại nhà cũng là xu hướng không xa lạ với thế giới, nay do COVID-19 nhiều người có dịp phổ cập. Miễn là những người làm công việc ít phụ thuộc như viết lách, sáng tạo, chăm sóc khách hàng trực tuyến...cứ thảnh thơi tại nhà cốt đảm bảo hiệu quả công việc. Làm việc ở nhà cũng có điều lợi bất cập hại, dễ sập bẫy như chơi ở cái thời thương mại điện tử lên ngôi.
Ngồi một chỗ nguy cơ sinh nông nổi lắm, rơi vào cám dỗ mua sắm cả thế giới không biết chừng. Facebook ngập tràn trang quảng cáo đủ thứ từ gia dụng, thời trang, thực phẩm... tất tần tật đều có “người vận chuyển” lo, chỉ có ví tiền là co lại.
Thời dịch bệnh người ta có thể ngưng mua những vật ngoài thân, nhưng lại dễ mủi lòng trước đồ thực phẩm nuôi sống bản thân và gia đình. Thế là ngôi nhà vốn chẳng rộng rãi cho cam sớm trở thành kho chứa nhu yếu phẩm từ gạo nước, mắm muối, xà phòng, thịt cá, rau quả. Không phải vì sợ cháy hàng, tích trữ cốt để yên tâm, không phải rồng rắn, chen chúc giữa đám đông.
Được cái làm việc ở nhà bớt la cà ngưng tụ tập, quỹ thời gian trong ngày nhờ thế cũng dôi ra ít nhiều. Nhiều người tu hành đạo Phật ở ta thời dịch cũng cấm túc, hàng ngày tụng kinh Dược Sư, kinh cầu an hồi hướng công đức, cầu bình an cho nhân dân sớm vượt qua dịch bệnh. Còn người dân thường ở nhà làm gì? Nào là trồng cây, nuôi cá cảnh, nấu nướng, dọn dẹp sắp đặt lại cửa nhà. Người lại cày phim Hàn, Trung, Mỹ thâu đêm suốt sáng. Con người dễ nuông chiều bản thân, dịch dã thế này ở nhà “giết” thời gian là mừng rồi, chỉ là tự cách ly sao cho ý nghĩa nhất không phải ai cũng làm được.
Facebook những ngày này lần lượt xuất hiện trào lưu khoe những món ăn phải tự lăn vào bếp, nhưng cũng không ít người bắt đầu than “đầu óc có vấn đề” hoặc “não mịn đi vì vi rút”. Sự tàn phá của vi rút không chỉ là hàng nghìn người vĩnh viễn ra đi, kinh tế toàn cầu ngưng trệ, suy thoái. Hệ quả khốc liệt nó để lại vẫn đang còn vô hình, chưa kịp nắm bắt hết. Hàng tỷ người cùng ngồi nhà, nhiều người đã và chuẩn bị thất nghiệp. Thế giới bước vào giai đoạn thanh lọc mới. Bão Cô Vy qua đi, những người thiếu may mắn bước vào cuộc chiến mang tên tìm việc. Dành thời gian ở nhà văn ôn võ luyện cũng không phải chuyện vô ích.
Tôi chợt nhớ tới phương pháp của Josh Kaufman. Tác giả cuốn sách The first 20 hours (20 giờ đầu tiên) đi tìm câu trả lời cần có bao nhiêu thời gian để trở thành bậc thầy trong một kỹ năng mới. Câu trả lời 10 nghìn giờ khiến ông ngao ngán, rồi ông chợt nhận ra đó là thời gian dành cho mức độ chuyên gia, những người đứng ở đỉnh cao. Josh Kaufman đưa ra con số bất ngờ: 20 giờ đầu tiên cực kỳ quan trọng để bạn học một kỹ năng cơ bản. Đó là khoảng thời gian vàng để bạn học nhanh, giỏi nhất một kỹ năng mới. Chẳng hạn học chơi đàn ukulele bạn chỉ cần biết vài hợp âm có thể chơi được các giai điệu của bản nhạc. Học ngôn ngữ mới không khó như bạn nghĩ, chỉ cần học 2 nghìn từ thông dụng có thể nắm tới 80% ngôn ngữ ấy.
Đầu tư nghiêm túc 20 giờ học bất cứ thứ gì không phải viển vông. Thời đại công nghệ, gà mờ cũng có thể thành công nhờ...Google. Bỏ 16 tiếng hì hụi lăn vào bếp để làm được mẻ bánh mì brioche chuẩn truyền thống Pháp, hóa ra không khó. Thời cấm túc, không nhúc nhích cũng nên làm gì hữu ích, ít ra là đọc những cuốn sách mua về cho đẹp tủ sách mà chưa một lần nhìn lại. Năm 2020 còn lâu mới là thời điểm tận thế như phim viễn tưởng nào đó.