Cắm trại để chống dịch, sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng vận hành tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thực hiện cắm trại tập trung sản xuất điện
Lực lượng vận hành tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thực hiện cắm trại tập trung sản xuất điện
TP - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp chủ động triển khai những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh liên tục, hiệu quả.

Ăn, ngủ tại nơi làm việc

Kể từ ngày10/5, Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện (EPS), đơn vị trực thuộc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) tái kích hoạt phương án cắm trại tập trung cho 176 cán bộ, nhân viên. Đây là lực lượng tại các phân xưởng sửa chữa của đơn vị. Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Trưởng phòng HC-LĐ Công ty EPS cho biết, các khu cắm trại tập trung đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu và nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày. Các bữa ăn có sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm và phòng chống dịch.

Ngoài EPS, cùng thời gian này, EVNGENCO 3 tổ chức cắm trại tập trung sản xuất điện tại một số đơn vị, phân xưởng sản xuất tại hai trung tâm nhiệt điện lớn là Trung tâm Công ty Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh) và Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tổng cộng có gần 600 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ăn nghỉ, sinh hoạt tập trung sau giờ làm việc trong nhà máy. Đây là lực lượng trực tiếp sản xuất điện, tham gia sửa chữa thường xuyên của các đơn vị thuộc EVNGENCO 3. Thời gian thực hiện phương án cắm trại tập trung kéo dài từ 14 đến 21 ngày hoặc hơn tùy vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Đây là lần thứ ba EVNGENCO 3 thực hiện cắm trại tập trung kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Trước đó, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) đã bố trí sinh hoạt tập trung cho 170 nhân viên vận hành ngay trong khuôn viên nhà máy. Ông Lý Tư Trí - Phó giám đốc công ty cho biết lực lượng vận hành cắm trại tập trung được chia thành 3 ca trực, tuyệt đối không tiếp xúc với bên ngoài. Công ty cũng đã chuẩn bị đủ nhiên liệu than để vận hành nhà máy và lượng than tồn kho hiện đáp ứng 21 ngày vận hành đầy tải. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả cao vì vừa khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sức khỏe của CBCNV trực tiếp tham gia sản xuất.

Ông Nguyễn Đức - Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho hay, trước tình dịch lây lan nhanh chóng, công ty giảm số lượng nhân viên vận hành của 3 nhà máy từ khoảng 90 xuống còn 54 người và được bố trí sinh hoạt ở các khu nhà cách ly riêng biệt. Để chủ động cho việc cách ly phục vụ sản xuất điện, đơn vị đã hoàn thiện cơ sở vật chất tại các khu sinh hoạt tại nhà máy. Ngoài trang bị vật dụng còn dự trữ nguồn thực phẩm, tăng cường chế độ ăn để bảo đảm sức khỏe cho công nhân vận hành.

Ðảm bảo sản xuất

Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu - KVT (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS) đã triển khai các giải pháp, phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch, cũng như giữ nhịp độ lao động khẩn trương, liên tục; không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh cuả đơn vị. Đối với các công trình khí như Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP), Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (KCTV), Kho Gò Dầu (KGD) - nơi có sự tiếp xúc với khách hàng, nhà thầu, đặc biệt công trình xây dựng với giao diện vận hành đa dạng, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến dịch bệnh khi thường xuyên phải đón nhận các tàu hàng từ nước ngoài thì các biện pháp phòng chống dịch càng được siết chặt và thực hiện nghiêm ngặt. Tất cả nhà thầu phải khai báo y tế bằng QR code và thực hiện cấp phép tại phòng riêng. KVT triển khai sử dụng mặt nạ chống giọt bắn cho lực lượng bảo vệ, giám sát khi tiếp xúc với nhà thầu; phun khử trùng tàu và xe bồn ngay khi đến công trình khí. Toàn thể CBCNV KVT được trang bị đầy đủ và yêu cầu thực hiện nghiêm việc mang khẩu trang y tế, sát khuẩn, giãn cách cự ly… khi làm việc; được khuyến cáo đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tại gia đình; tích cực tham gia phòng chống dịch cùng địa phương nơi cư trú.

Riêng với Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam và một số trung tâm điều hành khí cơ sở (như trụ sở tại Chi nhánh Khí Hải Phòng, tiếp theo là BR-VT, Cà Mau…), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã kích hoạt theo phương án làm việc tại Zone 0 - Vùng an toàn cao với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối. Theo đó, chỉ người có trách nhiệm như trưởng ca, vận hành viên, nhân viên xử lý sự cố trong phòng điều khiển mới được ra vào. Trước khi vào Zone 0 phải thực hiện khử trùng tay, đeo khẩu trang liên tục. Khi kích hoạt cấp độ “Tình huống 3 - Cấp độ 2” trở lên thì đối tượng vào Zone 0 phải được phun khử khuẩn 20 phút trước khi vào.

Kinh nghiệm của Ðồng Nai

Lo ngại tình hình lây lan dịch bệnh trong nhà máy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp tại Đồng Nai đã có phương án cho người lao động, chuyên gia được lưu trú tại nhà máy.

Ngày 15/6, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đề nghị của Ban quản lý các KCN Đồng Nai về việc thực hiện phương án cho các doanh nghiệp bố trí người lao động làm việc, ăn, ở và tạm lưu trú tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác phòng chống dịch. Hiện đã có 3 doanh nghiệp đề xuất cho người lao động được tạm lưu trú tại nơi làm việc gồm: Cty TNHH Sơn Ocean (KCN Long Thành, Cty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (KCN Biên Hòa 2) và Cty CP GreenFeed Chi nhánh Đồng Nai (KCN Sông Mây). Lý do các công ty đề xuất cho người lao động tạm thời lưu trú tại nhà máy, là vì lo ngại tình hình dịch bệnh đang bùng phát, trong khi công ty có một số lượng chuyên gia, nhân viên văn phòng làm việc tại TP HCM nên rất khó kiểm soát tình hình lây lan dịch bệnh.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, thực tế mô hình làm việc và ăn, ở tại nhà máy đang được các DN tại các KCN tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, có thể nhân rộng tại các địa phương khác. Tuy vậy, theo quy định, KCN chỉ dùng cho mục đích sản xuất công nghiệp, không có dân cư sinh sống. Vì vậy, với phương châm “phòng hơn chữa”, Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép các doanh nghiệp trong KCN Đồng Nai được bố trí phương án làm việc và ăn, ở, tạm lưu trú tại doanh nghiệp, khi tình hình dịch bệnh COVID -19 được kiểm soát và ổn định thì không tiếp tục thực hiện phương án này nữa.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.