Cấm thành Thăng Long chưa mở xong trang sử

Cấm thành Thăng Long chưa mở xong trang sử
TP- Di tích xuống cấp khá rõ- đó là cảm nhận của TS Kazuto Inoue- Viện nghiên cứu di sản văn hóa Nara- Nhật Bản sau 4 năm trở lại Hoàng thành Thăng Long.

Còn PGS.TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nói thì nói: “Chúng tôi đã tiến một bước rất dài trong việc nhận diện các di tích mặt bằng kiến trúc ở 18 Hoàng Diệu, Hà Nội”.

Đông đảo nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Italia, Đài Loan đã tham gia hội thảo quốc tế Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh diễn ra trong 2 ngày hôm qua và hôm nay  25/11 tại Hà Nội.

Nếu dấu tích nền gạch và bó nền, đường cống nước, giếng nước là của thời Đại La, những viên gạch màu đỏ in nổi chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên chứng tỏ “bàn tay” của thời Đinh - Tiền Lê, thì thời Lý hiển hiện bằng hàng loạt dấu tích kiến trúc như móng trụ sỏi, bó nền, chân đá tảng, đường cống nước, móng tường, giếng nước.

Thời Trần và Lê cũng hiện lên phong phú. Kiến trúc thời Nguyễn bị phá hủy gần như hoàn toàn, nhưng 22 viên đá ong nằm trên tầng văn hóa thời Lê giúp giới khảo cổ nhận định đây là dấu tích thuộc thời Nguyễn. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, trên bản đồ khảo cổ học VN, dấu tích kiến trúc Đại La tìm thấy rất ít, chủ yếu ở Hoa Lư, Ninh Bình và Luy Lâu, Bắc Ninh.

Ngay cả ở Thăng Long cũng không tìm ra kiến trúc Đại La cho đến khi lật nền đất 18 Hoàng Diệu. Vết tích văn hóa thời Đại La minh chứng rõ thêm vị trí của kinh thành Thăng Long khi Vua Lý Thái Tổ dời đô. Thiên đô chiếu ghi rõ Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô Thăng Long ngay trên nền cũ của thành Đại La. Tuy nhiên, ông Tín cũng nói, phần lớn diện tích thuộc lớp văn hóa Đại La chưa được khai quật.

Những cuộc đào xới của L.Bezacier trước 1945 tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), của Viện Khảo cổ học tại Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, hay của Bảo tàng Lịch sử VN tại Hà Nam chỉ tìm thấy móng tháp và di tích chùa thời Lý.

Đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện được dấu tích kiến trúc cung điện thời Lý trên địa bàn cả nước, hơn nữa số lượng dấu tích lại lớn nhất so với các thời khác. Hà Nội hẳn sẽ nhiều tự hào trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Cấm thành Thăng Long chưa mở xong trang sử ảnh 1
Ngói đầu phượng ở Hoàng thành Thăng Long Ảnh: Phạm Yên

Nếu cuộc hội thảo năm 2004 dân tình hân hoan với những hiện vật đẹp như mơ, từ ngói đầu phượng, giếng nước đến con đường lát gạch hoa chanh, thì nay, giới khảo cổ có thêm những niềm vui mới khi công bố những kiến trúc lục giác, bát giác, có những mặt bằng 13 gian.

Sách Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rằng 3 kiến trúc mặt bằng bát giác có ở Hoàng thành Thăng Long thời Lý, đó là nhà bát giác chứa kinh Phật năm 1021, điện Hồ Thiên giữa ao Kim Tinh năm 1058 và, vào năm 1030 “làm điện Thiên Khánh ở trước điện Trường Xuân để làm chỗ nghe chính sự.

Điện làm kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu Phượng Hoàng”. Thử hướng tới định danh cho một dấu tích kiến trúc thời Lý, ông Tín nói: “Việc tồn tại hai kiến trúc kiên cố gần nhau, dấu tích nguồn nước và vị trí không xa điện Kính Thiên lắm dường như gợi suy nghĩ về cụm kiến trúc đặc biệt trong Hoàng cung kiểu như cụm kiến trúc Trường Xuân- Thiên Khánh như sử cũ ghi chép”.

TS Kazuto Inoue- Viện nghiên cứu di sản văn hoá Nara- Nhật Bản tìm hiểu người xưa xây dựng Hoàng thành như thế nào thông qua việc đi tìm thước đo thống nhất. Căn cứ vào đá tảng chân cột và phương vị, ông tìm ra thước đo xây dựng là 29,8cm.

Ông Inoue cũng chứng minh rằng nền Hoàng thành Thăng Long thời Lý không hề chênh phương vị so với thời Đại La, còn thời Trần thì chênh đáng kể, cứ 100m thì chênh 1,07m. Ông Inoue cho rằng, mặt bằng kiến trúc lục giác có thể là nền tháp cao 8 tầng trở lên.

TS Nguyễn Hồng Kiên và Phạm Văn Triệu lại đưa ra lập luận: “Mặt bằng kiến trúc lục giác sẽ có dạng: nền gạch vuông bên ngoài tượng trưng cho Đất, ở giữa là nền gạch hình tròn tượng trưng cho Trời. Phải chăng đây là vũ trụ luận của công trình kiến trúc này?”. Khác với TS Inoue, TS Kiên nghiêng về kiến giải mặt bằng lục giác này là lầu các.

GS Ueno Kunikazu lại cho rằng “kiến trúc có hình lục giác không phải là những kiến trúc quy mô nhỏ, mà là những công trình có chiều cao tương đương lầu các, tháp hoặc nơi dựng cờ phướn”.

TS Bùi Minh Trí so sánh mái lợp ngói cung điện của Hoàng thành Thăng Long với kinh đô cổ trung đại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc: Có thể nói đây là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam... Chưa nơi nào có loại ngói ống gắn lá đề trang trí rồng, phượng như kinh đô Thăng Long.

Nghiên cứu mang tính phát hiện trong những năm qua chính là việc đưa ra những nhận thức sâu về đồ sứ ngự dụng dùng trong Hoàng thành Thăng Long qua các thời. Trước đây, mọi người chỉ biết đến những tư liệu ít ỏi về đồ sứ ngự dụng trong Hoàng cung Huế- những đồ sứ đặt làm tại Trung Quốc. Còn tại Hoàng thành Thăng Long, đồ sứ ngự dụng đều do chính bàn tay tài hoa của thợ gốm Thăng Long làm ra.

Thời gian 5 năm nghiên cứu không nhiều nhưng cũng đủ để các nhà khảo cổ học, sử học Việt Nam thu thập đầy đủ bằng chứng để khẳng định rõ: Khu di tích 18 Hoàng Diệu không chỉ nằm trong khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long mà còn nằm ở trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, đồng thời nằm trong khu vực vốn là lỵ sở của An Nam đô hộ phủ thời thuộc Đường (thế kỷ 7-9).

Hội thảo này nhằm đánh giá kết quả 5 năm nghiên cứu, nhận diện vị trí, vai trò của kinh đô Thăng Long trong lịch sử châu Á, trao đổi về ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài của di tích trong bối cảnh đô thị đương đại. Hôm nay, hội thảo tập trung chủ đề nghiên cứu so sánh giữa Hoàng thành Thăng Long với hệ thống các kinh đô trong khu vực, và quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hy vọng được nghe thêm nhiều tham vấn của các chuyên gia quốc tế.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.