Cắm ống xuống sông, thu lợi tiền tỷ

TP - Người dân bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép, cũng như việc “núp bóng” dự án nạo vét để trục lợi. Ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều tra, làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đã “chống lưng” cho cát tặc lộng hành.

Sáng 17/3, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc chủ tịch tỉnh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa sau khi địa phương này yêu cầu ngừng thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là hành vi xã hội đen, coi thường pháp luật, không thể chấp nhận được. Do đó, cơ quan công an cần khẩn trương khởi tố vụ án để điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng có liên quan.

Ông Đương cho biết, hiện nay đi đến đâu cũng thấy người dân phản ánh, bức xúc về tình trạng khai thác cát trái phép, cũng như việc “núp bóng” dự án nạo vét để trục lợi.

“Đây là hành vi ăn cắp tài nguyên quốc gia, hủy hoại môi trường cần phải xử lý nghiêm minh”, ông Đương nói và phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cơ quan chức năng chưa vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, không loại trừ yếu tố có “chống lưng”, “lợi ích nhóm”, “bảo kê”, móc ngoặc.

“Chỉ cần cắm ống xuống dòng sông là tha hồ hút, thu lợi tiền tỷ. Vì thế, khi bị người dân hoặc chính quyền phản ứng là các đối tượng khai thác cát sẵn sàng chống trả, đe dọa ngay”, ông Đương nói và đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, bộ ngành có liên quan tiến hành rà soát lại tất cả các dự án khai thác cát theo hình thức xã hội hóa. Qua đó, làm rõ những kẽ hở để kịp thời điều chỉnh ngăn chặn việc “núp bóng” để trục lợi, vơ vét tài nguyên quốc gia.

Ông Đương cho biết, tới đây, Ban Dân nguyện sẽ giám sát, khảo sát một vài địa phương về tình trạng khai thác cát trên các dòng sông. Căn cứ vào đó, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.

Đình chỉ 3 thanh tra, xem xét trách nhiệm Cục Đường thủy

Chiều 17/3, ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Đường thủy nội địa cho hay, Chi cục Đường thủy phía Bắc (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa) vừa tạm đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ thuộc Đội Thanh tra - An toàn đường thủy số 2 (quản lý luồng sông Cầu đoạn qua tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Cụ thể, ông Trần Văn Khiết - Đội trưởng Đội Thanh tra an toàn số 2, ông Nguyễn Quang Quý (Đội phó) và công chức thanh tra Nguyễn Đức Trung bị đình chỉ trong 5 ngày, từ ngày 15 - 20/3.

Chiều 17/3, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, các thanh tra viên trực tiếp làm nhiệm vụ tại địa bàn này sẽ bị xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra nạn cát tặc trên địa bàn quản lý và việc không báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên. Vị này cho biết, tới đây, Bộ GTVT cũng sẽ xem xét trách nhiệm quản lý của các cơ quan cấp cao hơn, trong đó có cả Cục Đường thủy nội địa.               

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.