Cấm nhà thầu, Trung Quốc sẽ bị thiệt

Cấm nhà thầu, Trung Quốc sẽ bị thiệt
TP - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 10/6 về thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp nhà nước của họ đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu đúng như vậy thì Trung Quốc tự làm khó cho doanh nghiệp của họ.

Có thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ đấu thầu mới dự án tại Việt Nam, điều này liệu có ảnh hưởng gì các dự án của ngành giao thông không?

Hiện chưa có nguồn thông tin chính thức nào về việc này. Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới. DN, nhà đầu tư của Việt Nam có thể hoạt động ở bất cứ đâu trong nước và nước ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Trung Quốc cũng được quyền vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. 

Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế hội nhập nhưng phải đảm bảo độc lập tự chủ, không lệ thuộc bất cứ nước nào nên việc Trung Quốc cấm các DNNN của họ tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam, nếu có, thì trước hết là họ bị thiệt vì họ vào làm ăn là trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Đối với Việt Nam, theo tôi việc này chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Nhà thầu Việt Nam cũng đủ mạnh, đủ lớn để thực hiện các dự án giao thông hiện nay, với trình độ công nghệ ngang bằng các nước.

Thực tế nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ thầu với giá thấp và thắng thầu trong rất nhiều dự án giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm tại Việt Nam?

Nguồn vốn của Trung Quốc chưa chắc đã rẻ, do đó chúng ta phải tính toán nếu thấy có lợi mình mới vay. Trong trường hợp người ta không cho vay nữa, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng. Không chỉ với nhà đầu tư Trung Quốc mà với tất cả các nhà đầu tư khác chúng ta cũng luôn phải chủ động”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Hiện có 9 nhà thầu Trung Quốc với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam, trong đó đã thực hiện được gần một nửa. Đáng lưu ý có dự án Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho vay nên tất nhiên là các nhà thầu của họ được tham gia.

Còn việc nhà thầu họ rút hay không thì hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến Việt Nam vì trước hết, nếu rút thì phần đang làm dở không thanh toán được. Chúng tôi sẽ đưa các nhà thầu khác vào làm và thậm chí họ còn làm nhanh hơn.

Làm không tốt là nghỉ

Vậy các nhà thầu trong và ngoài nước có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các dự án giao thông của Trung Quốc đang dang dở hiện nay?

Trung Quốc chỉ cho vay dự án ODA Cát Linh – Hà Đông nên chỉ có nguồn vốn của dự án này có khả năng bị ảnh hưởng. Nếu họ không cho vay tiếp thì chúng ta sẽ đi vay chỗ khác để bù đắp, đảm bảo tiếp tục dự án. Còn với các dự án khác, họ chỉ là nhà thầu thuần túy bình thường, kể cả là Chính phủ Trung Quốc không cấm mà nhà thầu Trung Quốc làm không tốt thì chúng ta cho nghỉ.

Xét về lợi ích thì DN của Trung Quốc hay của nước nào mang tiền ra nước ngoài đầu tư đều muốn làm ăn ổn định. Liệu có chuyện áp đặt ở đây nên DN họ buộc phải rút, thưa Bộ trưởng?

Chính các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn về và muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn vì môi trường đầu tư kinh doanh ở ta là rất tốt, thuận lợi, đặc biệt là tình hình an ninh, chính trị ổn định. Hơn nữa, Việt Nam cũng rất chân thành, hữu nghị và chính họ cũng nói với tôi là mong muốn như vậy nhưng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.

Cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG