Cầm micro 'hành nghề online'

TP - “Không có sân khấu, không có khán giả để tương tác, thật ra cảm xúc cũng mất đi ít nhiều. Nhưng mình vẫn vui vì được gắn bó với nghề, có công việc để mưu sinh”, MC Nguyễn Văn Linh trải lòng.
MC Thủy Tiên dẫn chương trình online về công nghệ. Ảnh chụp màn hình

Rất nhiều MC, ca sĩ đã “hành nghề” online khi bão dịch COVID-19 hoành hành.

Luyện tập, lên đồ để hát… trước màn hình

Sau mấy tháng trời “bó gối” vì dịch, ca sĩ trẻ Hoàng Lâm (28 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) được một ngân hàng “book show” hát trong hội nghị của cơ quan, với sự tham dự của hàng trăm người dưới hình thức trực tuyến. Lần đầu nhận hát online, anh Lâm cũng khá lóng ngóng và hồi hộp.

Trước khi chương trình diễn ra, anh và phía ngân hàng bàn bạc rất kỹ về số lượng, nội dung bài hát, trang phục… Đặc biệt nhất là khung giờ, thời lượng để hội nghị được diễn ra trơn tru. Thỏa thuận xong, anh ở nhà luyện tập kỹ càng như những lần đi biểu diễn trước đây. Tới gần ngày tổ chức hội nghị, phía ngân hàng liên hệ lại để chạy thử chương trình. Anh được cấp tài khoản đăng nhập vào ứng dụng trực tuyến rồi thử âm thanh, ánh sáng, cùng mọi người thống nhất thời gian.

“Mọi công đoạn chuẩn bị cũng như khi đi hát trên sân khấu trước kia. Chỉ khác là sân khấu online mình phải tự dựng và điều chỉnh phông nền, âm thanh, ánh sáng để các điểm cầu đều nghe và xem rõ. Nếu ở nhà những yếu tố này không đảm bảo thì mình phải tìm nơi khác để lên hình, anh nói.

Hội nghị chưa bắt đầu, anh Lâm đã “có mặt” từ sớm. Góc phòng khang trang nhất trong nhà được chọn làm sân khấu. Dù qua màn hình, nhưng chàng ca sĩ trẻ vẫn trang điểm, chọn bộ đồ đẹp nhất để tự tin đứng trước khán giả. Chương trình bắt đầu “chạy”, anh chăm chú theo dõi, luôn trong tư thế sẵn sàng để MC gọi tên.

“Khán giả đang xem mình hát qua màn ảnh nhỏ, với rất nhiều điểm cầu. Mình phải giới thiệu, chào mọi người và quan trọng nhất là biểu diễn hết mình để thể hiện sự tôn trọng”, anh chia sẻ.

Xa sân khấu, xa khán giả, xa không khí biểu diễn trực tiếp, những ca sĩ trẻ như Hoàng Lâm càng trân quý và nghiêm túc với sân khấu online. Nhiều người để xuất hiện trước màn hình vài ba phút đã phải chuẩn bị, luyện tập kỳ công.

Phan Xuân Ly (25 tuổi, quận Sơn Trà) hơn một năm nay gắn bó với những sân khấu của các talkshow, buổi lễ tổ chức trực tuyến. Ly kể thời điểm Đà Nẵng còn siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, Ly thường ở nhà, kết nối với chương trình và hát một mình. Khi thành phố nới lỏng dần, Ly tới xưởng phim ở cơ quan để biểu diễn, nhiều tiết mục còn có thêm vũ đoàn.

Có chương trình chỉ hát một ca khúc, nhưng Ly cũng mất khá nhiều thời gian để luyện giọng, thử góc quay, thử âm thanh khi qua ứng dụng trực tuyến. Đặc biệt với những chương trình không trực tiếp, thì Ly và mọi người càng chuẩn bị chu đáo hơn từ bài hát đến vũ đạo, hình ảnh, trang phục. Ly hài hước thêm, hát online có thể “đo điểm” giọng hát của mình, vì khán giả đánh giá rất chân thật qua từng “icon” và “comment” bên dưới.

Giữ lửa nghề

“Tôi là Thủy Tiên, rất vui được đồng hành với các bạn xuyên suốt hành trình tìm kiếm kiến thức, tìm kiếm cơ hội về công nghệ và AI hôm nay…”, MC Phạm Thủy Tiên (27 tuổi) đã cởi mở như vậy với khán giả một chương trình mà cô dẫn online. Tôi hỏi Tiên đã dẫn bao nhiêu chương trình như vậy, Tiên thú thật không thể nhớ hết. Chỉ nhớ từ đầu năm nay, cô bắt đầu làm MC trực tuyến, từ hội thảo, hội nghị cho đến lễ ký kết, khai trương…

Mỗi chương trình mỗi cách dẫn khác nhau nhưng theo Tiên cần phải có một cái đầu rất tỉnh. Tiên lý giải, chương trình trực tiếp, nếu có trục trặc thì có thể xử lý bằng tiết mục văn nghệ hoặc giao lưu khán giả, còn dẫn online, MC phải làm chủ và “tự xử” tất tần tật mọi thứ, từ kịch bản, kiến thức, đường truyền, hình ảnh tới từng tình huống không ngờ tới.

Với Tiên, dẫn chương trình nào cũng cần có sự đầu tư kỹ càng. Trước mỗi chương trình, cô dành rất nhiều ngày để nghiên cứu kịch bản, khách mời và bổ sung kiến thức.

“Trên mạng cũng có nhiều “trend” về MC “trên lộng lẫy, dưới quần đùi”, bởi chủ quan khán giả chỉ thấy MC qua màn ảnh. Mình thì luôn chuẩn bị chu đáo về cả nội dung chương trình lẫn hình thức cho bản thân. Có như vậy mới tự tin hơn khi xuất hiện, tạo một tâm thế làm việc hiệu quả, chỉn chu”, Tiên thẳng thắn. Nữ MC còn trải lòng rằng dịch bệnh kéo dài, vẫn được cầm micro là may mắn hơn mọi người. Thành thử, bất kể chương trình lớn nhỏ nào, cô cũng làm việc với thái độ nghiêm túc nhất để giữ được lửa nghề.

Xa khán giả, với những người cầm mic là một vết thương trong nghề nghiệp. Nhưng họ không thể “vì một cái cây mà bỏ cả khu rừng”. Họ đã dần thích ứng, linh hoạt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 dai dẳng. Họ dần tìm được niềm vui trong chương trình trực tuyến, cảm nhận được hơi ấm lửa nghề trước màn hình.

“Không có sân khấu, không có khán giả để tương tác, chỉ mình với cái màn hình, thật ra cảm xúc cũng mất đi ít nhiều. Nhưng mình vẫn vui vì được gắn bó với nghề, có công việc để mưu sinh”, MC Nguyễn Văn Linh (quận Sơn Trà) chia sẻ.

Hát một mình trước ngàn ghế trống

Trong đợt thành phố giãn cách, ca sĩ Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng đã thực hiện livestream giữa nhà hát. Sau lưng ca sĩ là 1.200 ghế không khán giả. Chương trình này là tình cảm của ca sĩ gửi đến người dân và các lực lượng tuyến đầu chống dịch, động viên mọi người lạc quan vượt qua dịch bệnh. Ca sĩ cũng chia sẻ rằng, buổi livestream “đơn độc” này cũng giúp anh bớt nhớ sân khấu khi đã rất lâu không được trực tiếp phục vụ khán giả.