Cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA

Cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA
TP - Phiên họp thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khai mạc sáng 5-5, tại Hà Nội. Dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ODA vay của ADB.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA

Phát biểu khai mạc, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, các nước thành viên tiếp tục ủng hộ ADB thực hiện chiến lược năm 2020. Với tư cách là tổ chức tài chính khu vực, ADB cần khẳng định lại cam kết trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, cung cấp nguồn lực cần thiết cho các nước thành viên vì mục tiêu bảo vệ các nhóm người dân dễ bị tổn thương và nghèo nhất thông qua tạo cơ hội việc làm và hỗ trợ thu nhập.

"Phải làm cho các hệ thống tài chính cởi mở hơn nữa đối với người nghèo. Điều này sẽ giúp các gia đình có thể hưởng lợi được từ các cơ hội kinh tế, kiểm soát các cú sốc về tài chính, và có thể tiếp cận được tới các điều kiện về giáo dục và y tế".

Ông Kuroda, Chủ tịch ADB

Trong bài phát biểu Tương lai của Châu Á, ông Kuroda-Chủ tịch ADB nói: “Châu Á có thể dẫn thế giới tới một sự tăng trưởng bền vững, công bằng và cân bằng hơn nếu châu Á đương đầu được với những thách thức ở tầm trung và dài hạn một cách có mục tiêu và tâm huyết”.

Ông Kuroda đề cập tới 5 vấn đề mấu chốt đóng vai trò thiết yếu nhằm mở khóa cho tiềm năng phát triển của khu vực, gồm: thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 750 triệu USD mỗi năm từ nay đến năm 2020; hệ thống tài chính vững mạnh nhằm phân bổ vốn dự trữ của khu vực cho những nhu cầu về phát triển của châu Á; chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong và ngoài khu vực, gia tăng hợp tác và hội nhập khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việt Nam hoan nghênh Hội đồng Thống đốc ADB đã lựa chọn những chủ đề rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để thảo luận tại hội nghị. Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực cải cách hoạt động của ADB, cam kết ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực các hoạt động do ADB khởi xướng vì mục tiêu châu Á không đói nghèo”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với thành tựu 25 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng bình quân 7,26%/năm trong 10 năm qua, hoàn thành và vượt trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

ADB hỗ trợ tài chính 1,38 tỷ USD cho Việt Nam

Hôm qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu và Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda đã ký kết gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,38 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn nước sạch trên toàn quốc, bảo vệ rừng và giải quyết vướng mắc về đô thị.

K.H

Tính đến tháng 3-2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ USD cho hơn 100 chương trình, dự án, tập trung vào phát triển của Việt Nam về kinh tế, xã hội, giảm nghèo nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất nguồn vốn quý báu này. Chính phủ Việt Nam trân trọng và đánh giá cao cam kết của cộng đồng quốc tế tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vừa qua” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, 5 năm tới là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm; thu nhập khu vực nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010.

“Tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng Việt Nam vẫn là một nước nghèo, trong chặng đường sắp tới, Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong đó có ADB và các nước thành viên”- Thủ tướng nói.

Hai kịch bản cho tương lai châu Á

Theo dự báo, châu Á sẽ có thêm ba tỷ người dân được tận hưởng tiêu chuẩn cuộc sống tốt đẹp với điều kiện khu vực này vẫn duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và giải quyết được những thách thức kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Điều này được nêu trong dự thảo “Châu Á 2050 - Xây dựng một thế kỷ châu Á” vừa được công bố sáng 4-5, tại một phiên họp của hội nghị thường niên ADB.

Bản dự thảo đã đưa ra những nhận định về tương lai của châu Á theo hai kịch bản. Theo kịch bản lạc quan về một thế kỷ châu Á, GDP của khu vực sẽ đạt 148 ngàn tỷ USD, chiếm 51 % sản lượng toàn cầu. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38.600 USD, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 USD.

Kịch bản này cũng nhận định, gần ba tỷ người châu Á sẽ có thể tận hưởng thành quả của sự thịnh vượng ít nhất cũng sớm hơn 1 thế hệ so với kịch bản bẫy thu nhập trung bình.

Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mức tăng trưởng chậm lại sự trì trệ trong thu nhập trong 5 hay 10 năm tới.

Theo Vietnam+

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG