Cấm giảng viên yêu sinh viên? - Cấm là đúng!

Nhiều ý kiến cho rằng quy định cấm giảng viên yêu sinh viên nhằm ngăn chặn tiêu cực nảy sinh ở giảng đường đại học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định cấm giảng viên yêu sinh viên nhằm ngăn chặn tiêu cực nảy sinh ở giảng đường đại học (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Đào Ngọc Thạch.
Việc Trường CĐ Nghề Việt Mỹ đưa ra quy định cấm giáo viên học trò tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng và có nhiều tranh luận thú vị.

Chuyên viên tâm lý Ngô Minh Uy, Công ty dịch vụ tư vấn và giáo dục WE Link, nêu quan điểm: “Cấm là đúng, nó là vấn đề đạo đức. Các hiệp hội nghề nghiệp trên thế giới đều đã làm như vậy. Có thể xem đây là vấn đề "mối quan hệ song đôi" (dual relationship). Khi có một mối quan hệ khác ngoài mối quan hệ công việc (sinh viên và giảng viên) thì sẽ gia tăng nguy cơ không công bằng, không khách quan, và có thể gây ảnh hưởng xấu trên người khác (kể cả người trong cuộc lẫn người xung quanh)”.

Chỉ nên khuyến cáo, không trừng phạt

Tuy nhiên, ông Uy cho rằng vì là vấn đề đạo đức do đó chỉ nên khuyến cáo chứ không có trừng phạt, vì trừng phạt là nhiệm vụ của luật pháp. Người liên quan sẽ chỉ chịu hình thức kỷ luật trong phạm vi của trường đó mà thôi chứ không phải là họ vi phạm pháp luật.

Khi được tuyển dụng vào trường thì giảng viên phải chấp nhận nội quy này thôi. Còn nếu đó là tình yêu đích thực thì giảng viên có thể nghỉ việc, chuyển sang trường khác dạy

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Ý tưởng Việt

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Ý tưởng Việt, cho rằng chuyện tình cảm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. “Sẽ có những tình huống như gạ tình sinh viên để đổi điểm. Việc cấm sẽ góp phần ngăn chặn hành vi xấu này. Khi được tuyển dụng vào trường thì giảng viên phải chấp nhận nội quy này thôi. Còn nếu đó là tình yêu đích thực thì giảng viên có thể nghỉ việc, chuyển sang trường khác dạy”.

Nguyễn Thị Hồng Thanh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ quy định này vì bản thân từng nghe người bạn thân có người yêu là giảng viên trong khoa, khoe rằng được châm chước, ưu ái rất nhiều trong việc cho điểm. Dù sự thật là thế nào đi chăng nữa nhưng điều này vô tình khiến những sinh viên như chúng tôi cảm thấy có sự thiên vị, bất công.

Vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ bị xử lý

Trong khi đó, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang nhận định, mỗi đơn vị cần có cách tổ chức, quản lý hợp lý để không xảy ra tiêu cực. “Nếu cấm hành vi thể hiện yêu đương tại trường học thì hoàn toàn chấp nhận được, vì đó là những hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng tới môi trường học tập. Chuyện yêu nhau nếu không ảnh hưởng thì không vấn đề gì. Còn nếu người thầy mà vi phạm đạo đức như đổi tình lấy điểm, làm những chuyện tiêu cực thì người đó tất nhiên sẽ bị xử lý” - thạc sĩ Tuấn nêu quan điểm.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, trăn trở: “Trước đây tôi cũng đã phản đối rất dữ dội chuyện sinh viên yêu sinh viên, giảng viên yêu sinh viên và đưa ra nội quy cấm chuyện đó. Tuy nhiên, khi bạn không quản lý được, bạn cấm thì nó sẽ dẫn đến hậu quả gì? Đó là họ bắt đầu làm một cách lén lút, không phải ở giảng đường mà là ra ngoài hẹn hò, yêu nhau và hậu quả còn khó lường hơn”.

Ý KIẾN

Đừng quá nặng nề với từ “cấm”

Tôi ủng hộ nội quy của Trường CĐ Nghề Việt Mỹ. Chúng ta đừng quá nặng nề với từ cấm. Trong chuyện này, nhà trường cấm là cấm hành vi, nghĩa là nhằm hạn chế phát sinh những hành vi không phù hợp ở giảng đường. Sẽ rất khó chịu khi nhìn thấy cảnh giáo viên nắm tay (hoặc có những hành vi yêu đương) với sinh viên ngay trong khuôn viên trường, nên việc hạn chế những hành vi ấy là cần thiết.

Chuyên viên tâm lý Biện Chương Dương
(Trung tâm Ý tưởng Việt)

Cần ứng xử phù hợp với môi trường giáo dục

Tôi không phản đối nội quy này. Tuy nhiên tình cảm là yếu tố tự nhiên, đôi khi con tim không làm theo chỉ đạo của lý trí. Chính vì thế những người trong cuộc (giảng viên và sinh viên) cần có cách ứng xử phù hợp với môi trường giáo dục. Khi yêu bên ngoài trường thì có thể diễn tiến tự nhiên, nhưng trong môi trường giáo dục thì bắt buộc tuân theo những quy chuẩn riêng, có cách ứng xử phù hợp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân
(Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM)
Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG