Cấm đuổi gắt gao người vi phạm giao thông

Cấm đuổi gắt gao người vi phạm giao thông
TP - Nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân được cho do cảnh sát truy đuổi xảy ra thời gian gần đây, khiến cả người vi phạm giao thông lẫn công an tử nạn. Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, đã nghiêm cấm cảnh sát truy đuổi gắt gao người vi phạm giao thông lỗi nhỏ.

Như Tiền Phong đã đưa tin, chiều 6-5, anh Nguyễn Tiến Toàn (SN 1987, trú xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã đâm vào xe tải tử vong, tại quốc lộ 1A khu vực gần cầu Đá Hát, xã Kỳ Long, Kỳ Anh.

Theo một số người dân, trước khi xảy ra vụ tai nạn, anh Toàn bị một tổ CSGT huyện Kỳ Anh truy đuổi vì lỗi không đội mũ bảo hiểm và “kẹp ba” xe máy. Đến khu vực trên, 2 người ngồi sau Toàn nhảy xuống, còn Toàn luống cuống lao thẳng xe máy vào xe tải đi ngược chiều. Một số người dân quá khích đã đuổi đánh nhóm CSGT, đốt cháy xe cảnh sát, gây tắc đường trầm trọng trên quốc lộ 1A.

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Văn Tánh, Trưởng Công an huyện Kỳ Anh lại khẳng định “không có chuyện CSGT truy đuổi, đạp vào xe nạn nhân”. Hai cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe của anh Toàn hôm đó được xác định là đại úy Dương Văn Thông và thiếu úy Nguyễn Hữu Hùng, và “lúc xe nạn nhân đâm vào xe ô tô, hai cán bộ Thông và Hùng cách hiện trường 100 m”. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.

Cũng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, tối 24-4, tại Khánh Hoà, anh Huỳnh Tấn Nam (SN 1989) đã bị cảnh sát truy đuổi dẫn đến ngã xe máy, trọng thương. Hai cảnh sát truy đuổi anh Nam được xác định là thượng sĩ Vũ Văn Duy (Đội CSGT Diên Khánh, Khánh Hoà) và Nguyễn Trọng Hiếu (công an viên xã Diên Phú). Ngay sau đó, lãnh đạo Công an huyện Diên Khánh đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc, hỗ trợ nạn nhân điều trị và tạm thời không phân công thượng sỹ Duy tuần tra giao thông.

Còn tại Hà Nội, nhiều người vẫn chưa quên vụ trung sỹ Phạm Tuấn Anh (Trung đoàn CSCĐ) tử vong khi tham gia truy bắt những đối tượng đua xe trái phép vào rạng sáng 11-11-2009. Tại khu vực chân cầu Chương Dương, xe máy do trung sỹ Tuấn Anh điều khiển bị nhóm quái xế chèn ngã, khiến anh tử vong, một đồng đội khác trọng thương.

“Không truy bắt không có nghĩa là dung túng vi phạm”

Trao đổi với Tiền Phong, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm khẳng định, Bộ Công an không cho phép các lực lượng được truy đuổi người vi phạm giao thông với lỗi nhỏ.

Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, trước đây, sau khi xảy ra một vụ việc tương tự, Bộ Công an đã có chỉ đạo cụ thể, những vụ việc xảy ra như trên là rất đáng tiếc, “do sơ suất của anh em”.

Cấm đuổi gắt gao người vi phạm giao thông ảnh 1Tinh thần công an là phải quyết liệt tấn công tội phạm, dám hy sinh để bảo đảm bình yên cho nhân dân. Bộ đã quy định rất rõ trường hợp nào cần phải truy bắt đến cùng, trường hợp nào không cần thiết. Vấn đề này phụ thuộc một phần vào nhận thức của anh emCấm đuổi gắt gao người vi phạm giao thông ảnh 2 - Thượng tướng Lê Thế Tiệm

Cụ thể, cũng theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm, với những tội phạm nguy hiểm như giết người cướp của chẳng hạn, nếu bỏ chạy thì lực lượng cảnh sát phải cương quyết tấn công, truy đuổi.

Còn ví dụ trường hợp người dân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì cần tuyên truyền giáo dục, nếu giữ được thì phạt còn nếu họ sợ hãi bỏ chạy thì không cần thiết phải đuổi bắt, dễ cái sảy nảy cái ung.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng khẳng định, không truy đuổi gắt gao người vi phạm giao thông không có nghĩa là lực lượng công an dung túng cho sai phạm.

Thượng tướng Tiệm dẫn chứng, có nhiều trường hợp thanh niên quậy phá, không đội mũ bảo hiểm, đèo ba đèo bốn, thậm chí... chọc tức công an, đó là những hành vi đáng bị lên án, xử lý.

“Trong những trường hợp này, anh em cảnh sát cần phải hết sức kiềm chế, có thể ghi biển số xe vi phạm lại chờ xử lý sau” - Thượng tướng Tiệm nói.

MỚI - NÓNG