Cấm bán thịt chó: Dân đối phó, chính quyền khó kiểm soát

Cấm bán thịt chó: Dân đối phó, chính quyền khó kiểm soát
TP - Đến thôn La Dương, xã Dương Nội, thành phố Hà Đông, Hà Tây- nơi vừa có quyết định đóng cửa toàn bộ cửa hàng kinh doanh thịt chó - để mua món thịt cầy chẳng có gì khó.

“Họ cấm thì cứ cấm thôi. Khi nào đoàn kiểm tra đến mình lại dọn vào”, một chủ quán thịt chó trên đường 72 La Dương vừa cười vừa nói.

Thôn La Dương (không phải thôn Dương Xá như nhiều báo đã nêu) ngày 21/4 vừa qua, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) là ông Trần Đáng dẫn đầu đoàn kiểm tra 23 cửa hàng kinh doanh thịt chó. Sau đó, ông ra quyết định đóng cửa toàn bộ với lý do “không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Vậy mà 4 giờ chiều 24/4/2008 trên đường 72 vào La Dương, qua tấm biển “Địa phận Hà Nội Km...”  che bởi đủ thứ giấy tờ dán lên, tôi bị ngợp bởi một dãy biển cửa hàng thịt chó xếp thành hàng dài dọc tuyến đường. Cạnh mỗi biển kinh doanh đều có một cái cũi, hoặc trống không, hoặc đang cầm tù một vài con chó.

Chị Phước Hằng, chủ quán thịt chó Phước Hằng, vừa bịt mũi cho khỏi bụi vừa nói: “Tiêu chảy cấp là do rau sống và nước nhiễm khuẩn, đâu phải do thịt chó. Trước nhiều người bảo mắm tôm là nguyên nhân, rồi cũng phải thanh minh lại đấy thôi. Mắm tôm nhà tôi tôi ăn mà có bị sao đâu. Cứ hỏi mấy người bán thịt chó quanh đây thì biết, nào có ai bị tiêu chảy cấp bao giờ”.

Bán cố hay cãi cố?

Chị Hằng vừa lấy mảnh vải che cho con chó bị xẻ đôi người trên bàn mổ khỏi bị ruồi bâu vừa thanh minh: “Lệnh cấm từ hôm kia, cả dãy này hôm qua không ai dám bán. Nhà tôi còn hai con chó, cố thịt bán nốt rồi đóng cửa”.

Đi quãng đường chỉ vài trăm mét mà trưng tới 18 biển thịt chó. Tôi nhẩm đếm có đến 10 quán bày thịt chó sống. Một số quán khác, vào thời điểm 5 giờ chiều, hoặc hết hàng, hoặc lờ mờ nhận ra người lạ lượn lờ qua lại, dừng việc buôn bán.

Vào quán Hà Sơn, tôi nhận được câu trả lời có vẻ thành thật của chị chủ cửa hàng: “Từ khi có lệnh cấm, gia đình tôi không bán thịt chó đã ba, bốn hôm nay rồi”. Bên cạnh chị, một rổ riềng giã nhỏ được đặt nghiêng ngả trên một cái nồi to vung két đất. Cái cũi chó đầu nhà thì vẫn vương đầy phân.

Khó kiểm soát

Ông Đặng Xuân Tạc, Trưởng phòng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tây, người cùng tham gia đoàn kiểm tra hôm 21/4 vừa qua, cho biết: “Sau khi đóng cửa 23 cửa hàng ở thôn La Dương, ngày 23/4, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế tiếp tục đến kiểm tra và giám sát, nhưng không nhà hàng nào hoạt động”.

Khi tôi thông tin phần lớn cửa hàng thịt chó tại thôn La Dương vẫn kinh doanh bình thường, ông Tạc trả lời: “Nếu có hiện tượng này thì UBND xã phải yêu cầu đóng cửa. Xã đã được giao quyền giám sát”.

Liên lạc điện thoại đến UBND xã, một đại diện xã phân trần, việc giám sát hoạt động giết mổ và kinh doanh thịt chó do đồng chí Tiến, Phó Chủ tịch xã đảm nhiệm. Tuy nhiên, “dân đang đến phản ứng về việc đất đai nên rất ồn, không thể trao đổi được”.

Vận chuyển thịt chó từ Hà Tây về Hà Nội, khó giám sát

Chiều 5/4/2008, đến xóm 11 Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, để mua chó móc hàm (chó đã mổ), tôi được chị Loan, chủ nhà hàng thịt chó Sơn Loan ở xóm này gợi ý: “Em mua chó móc hàm, vừa nhọc công chế biến lại chưa chắc đã ngon như ở đây. Chị thường xuyên chuyển thịt chó chín lên Hà Nội. Nhưng người ta thường đặt thịt chó đã nấu sẵn, và đặt theo mâm, theo món, chứ không mấy ai mua chó móc hàm”.

Thấy tôi e ngại ăn chó Hà Tây dễ nhiễm tiêu chảy cấp, chị cười: “Ở đây người ta chấm thịt chó với lòng chuột, chứ không chấm mắm tôm nên không lo bị tiêu chảy cấp đâu. Chỉ cần em không ăn mắm tôm thì không sao. Thời gian đi từ đây vào Hà Nội khoảng một tiếng, thịt chó vẫn ngon và không bị sao cả”.

Chiều 24/4/2008, tại đường 72 La Dương, tôi hỏi mua thịt chín, một anh chủ quán xua tay: “Tôi chỉ bán chó sống thôi. Tôi thỉnh thoảng cũng chuyển hàng lên Hà Nội nhưng phải từ hai con trở lên mới bõ công”.

Về tình trạng người dân vận chuyển thịt chó từ Hà Tây về Hà Nội, ông Đặng Xuân Tạc, Trưởng Phòng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tây, lắc đầu: “Họ thường vận chuyển vào ban đêm, cả thịt sống lẫn thịt chín. Rất khó kiểm soát”.

Cấm bán thịt chó: Dân đối phó, chính quyền khó kiểm soát ảnh 1

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Tây, tính đến 23/4/2008, toàn tỉnh có 889 bệnh nhân nghi nhiễm, trong đó có 194 trường hợp dương tính.

Số bệnh nhân tăng chủ yếu từ nhân dân xã Hữu Bằng do ăn thịt chó trong dịp hội làng.

Tại Hà Nội, ngày 25/4/2008, theo quan sát của phóng viên, quán thịt chó Trần Mục số 348 đường Âu Cơ vẫn kinh doanh bình thường (ảnh) mặc dù đoàn thanh tra thực phẩm đã yêu cầu quán này tạm thời đóng cửa từ ngày 16/4.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.