Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng

Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng
Trong lúc họng súng của địch cách nơi ẩn nấp có vài mét, ông Bộ trưởng đã không nương tay giáng cho cậu con trai út của mình một cái tát "thật là đau". Nhờ đó, mạng sống của hơn chục con người và thành quả của cách mạng bảo toàn...

 >> Nỗi lòng của 'ông nghè Tây học' làm Bộ trưởng Giáo dục 

Ba chàng rể "giáo sư" của Tổng đốc tỉnh Thái Bình

Tổng đốc Vi Văn Định thuộc đời thứ 14 của họ Vi - một dòng họ được đất nước giao cho trọng trách "trấn ải biên cương" tại Lạng Sơn. Trong lịch sử giữ nước, các vùng biên cương luôn là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các triều đại phong kiến. Bởi "đấy là địa bàn trọng yếu, kế cận với quốc gia láng giềng và là khu vực có mức 'ly tâm' rất lớn đối với sự kiểm soát của nhà nước trung ương, đó là điểm dễ bị các thế lực ngoại bang lợi dụng".

Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng ảnh 1

Gia đình Tổng đốc Vi Văn Định trong ngày cưới của con gái Vi Kim Ngọc với tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.Ảnh: Tư liệu

Tới đời ông Vi Văn Định, Tây không cho ông làm quan trên biên giới nữa, mà điều ông xuống vùng xuôi. Đấy là kế "điệu hổ ly sơn" của thực dân Pháp. Tháng 8/1928, ông được thăng làm Tổng đốc về nhậm chức ở Thái Bình.

Ông Tổng đốc tỉnh Thái Bình có tiếng là chính trực, công tội nghiêm minh. "Đến đâu làm quan, ông cũng lo làm giàu cho địa phương mình cai trị, không để Tây khinh miệt". Cũng đã có lần, "Cộng sản" định ám sát ông, ông biết điều đó. Nhưng tới khi súng đã lên nòng, cuộc ám sát bất ngờ kết thúc với đôi lời của "sát thủ": "Tôi được lệnh ám sát ông, nhưng sau khi đối thoại, tôi hiểu ông".

Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng ảnh 2
Cô dâu Vi Kim Ngọc và chú rể Nguyễn Văn Huyên trong ngày cưới (1936). Ảnh: Tư liệu

Và không chỉ "Cộng sản" hiểu ông, mà cả giới trí thức thượng lưu đương thời cũng hiểu và tìm đến xin nhận ông làm... "nhạc phụ". Người đầu tiên là chàng công tước Hồ Đắc Di - một nhà trí thức trẻ sinh ra trong một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế, một dòng họ có tới năm nàng dâu là công chúa, công nữ và số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết.

Bác sĩ Hồ Đắc Di là người bản xứ đầu tiên và duy nhất - trước năm 1945 - trong toàn Đông Dương thuộc Pháp được toàn quyền Jean Decoux phong chức danh giáo sư đại học. Năm 1935, bác sĩ Hồ Đắc Di đã xin cưới con gái của Tổng đốc Vi Văn Định là tiểu thư Vi Kim Phú - lúc đó tròn 17 tuổi.

Chàng rể thứ hai của cụ Tổng đốc là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, lúc đó đang là ủy viên thường trực Trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne của Pháp. Trở thành ông "Nghè Tây học", nhưng vị tiến sĩ trẻ tuổi không ra làm quan, chỉ làm những nghề "sạch sẽ" như dạy học, nghiên cứu khoa học. Sau một thời gian "tìm hiểu", ông xin cưới người chị gái của tiểu thư Kim Phú là Vi Kim Ngọc - khi đó tròn 20 tuổi. Cả hai chị em tiểu thư Kim Ngọc đều nổi tiếng là "sắc nước hương trời" trong vùng.

Chàng rể "giáo sư" thứ ba của ông Tổng đốc là bác sĩ Tôn Thất Tùng - người  thuộc dòng dõi hoàng tộc, giảng viên đại học. Tính đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông. Ông được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiệm làm trưởng khoa ngoại Trường đại học Y Hà Nội năm 1940, khi mới 28 tuổi. Bốn năm sau đó, ông làm rể cụ Tổng đốc khi kết hôn với cháu gái của cụ là tiểu thư Vi Nguyệt Hồ (15 tuổi).

Tới năm 1942, cụ Tổng đốc từ quan. Cả ba chàng rể của cụ đều từ bỏ cuộc sống vàng son trong chế độ thực dân phong kiến, dẫn gia đình đi theo cách mạng lên núi rừng Việt Bắc, cùng góp sức mình cho một nhà nước dân chủ cộng hòa mới.

Cái tát cứu nguy cho cách mạng

Năm 1947, gia đình của cả ba chàng rể cụ Vi cùng tản cư lên Chiêm Hóa theo yêu cầu của Cách mạng. Lúc này, tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng. Chiến tranh đã lan rộng. Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi "anh Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục" và "anh Di - Giám đốc Đại học" lưu ý: "Pháp đã đi thông tất cả đường lớn. Sau đó, chúng sẽ cho bộ đội đi các đường tắt".

Một trong những mục đích then chốt của địch là "tiêu diệt phá hủy cơ quan" và "hại sức cán bộ". Do đó, chúng ra sức tiến hành các cuộc càn quét để lùng bắt hoặc sát hại các nhân vật chủ chốt nhằm làm thui chột thành quả của cách mạng.

Cái tát 'trời giáng' của ông Bộ trưởng ảnh 3
Gia đình ba giáo sư: Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng trong kháng chiến (1948). Ảnh: tư liệu

Trong một lần địch "càn quét" tại Tuyên Quang dữ quá, cả ba vị "giáo sư" Nguyễn Văn Huyên - Hồ Đắc Di - Tôn Thất Tùng và gia đình đều nằm trong tầm nguy hiểm và cùng nấp tại một chỗ! Nhỏ tuổi nhất trong đó là bé Huy - mới hơn 2 tuổi - con trai út của Bộ trưởng Huyên.

Địch nhảy dù và  ráo riết sục sạo dấu vết của các "cán bộ cốt cán". Sự sống của hơn chục con người trong ba gia đình trí thức "rường cột" treo ngược trên sợi tóc khi họng súng của địch chỉ cách chỗ mọi người nấp có ... "mươi mười lăm mét".

Tình thế trở nên vô cùng hiểm nghèo. Và trong khoảng khắc, sợi tóc mong manh "treo" hơn chục sinh mệnh đó suýt nữa "đứt phựt" khi tiếng khóc của bé Huy chợt ré lên... Chừng đó con người nín lặng kinh hãi...

Bỗng, "một cái tát thật đau" giáng thẳng vào khuôn mặt đang mếu máo nước mắt của cậu con trai út Bộ trưởng Huyên. Bất thần trước cái tát không nương tay của bố, cậu bé Huy bỗng ... "nín thinh"...

Trong gang tấc, địch đã không phát hiện ra nơi ẩn nấp và cả ba gia đình trở thoát chết. "Đấy cũng là lần duy nhất 'cụ' sử dụng bạo lực với trẻ em. Nhưng, cái bạo lực đó là cần thiết".

Và, quan trọng hơn tất thảy, chính nhờ cái tát "hạ thủ không nương tình" đó của Bộ trưởng Huyên, đất nước đã tránh được tổn thất nặng nề... Bởi, nếu như cả ba vị lãnh đạo đầu ngành đó đều rơi vào tay địch, thì có lẽ những thành quả cách mạng khó có thể được nguyên vẹn như ngày hôm nay...

Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày nhận cái tát "trời giáng", người con trai út của Bộ trưởng Huyên vẫn chưa hết ngạc nhiên là: tại sao trong lúc đó, mình lại không khóc to hơn...?

Theo Tùng Anh
VietnamNet
(Tổng hợp từ "Hồi ức Nguyễn Văn Huyên", báo Tuổi trẻ và ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Huy - con trai cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên)

Bài cuối : Ông Bộ trưởng 30 năm 'chưa vào Đảng' 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).