> Để trẻ có bản lĩnh văn hóa dân tộc
Cảnh vở “Mệnh đế vương”. Ảnh: Nguyên Hoàng. |
Hơn chục du khách vừa xem cải lương vừa đeo tai nghe tối 13-8, tại rạp Chuông vàng 72 Hàng Bạc. Thoại dịch qua tiếng Anh. Theo lời giám đốc Trần Quang Hùng kiêm đạo diễn Mệnh đế vương, Cải lương Hà Nội đang đo gu của khán giả ngoại.
Sau hài kịch và chèo dịch tiếng Anh, người làm cải lương nghĩ đến chuyện quảng bá cho du khách quốc tế. “Việt Nam trình hồ sơ đờn ca tài tử lên UNESCO, cải lương từ đó mà ra. Đối tượng xem cải lương hiện chủ yếu ông già bà cả, bà con buôn bán, hiếm thấy trung niên, thanh niên. Nhiều khi nhìn xuống hàng ghế, chúng tôi trăn trở. Phải làm chứ, thế cũng là muộn rồi”, ông Hùng nói.
Nhà hát Tuổi trẻ từng đưa hài kịch bằng tiếng Anh lên sân khấu. Nhà hát Chèo Hà Nội xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế. Giám đốc nhà hát Trịnh Thúy Mùi cho biết: Chèo Hà Nội vẫn duy trì, nhưng dịp này ít khách, nghệ sĩ cũng bận cho nhiều chương trình nên tạm ngưng.
Chèo Hà Nội chỉ dịch nội dung giới thiệu ra tiếng Anh, còn Nhà hát Cải lương Hà Nội mạnh dạn dịch cả vở dài 1 tiếng 45 phút. Trở ngại lớn nhất là chuyển ngữ phần thơ, văn biền ngẫu sang tiếng Anh.
“Thứ bảy vừa rồi, sau buổi diễn thí điểm, chúng tôi phỏng vấn khán giả. Một du khách nam đứng tuổi nói thích quần áo và diễn viên nhưng không thích vở diễn. Hai du khách trẻ lại hào hứng. Hai ý kiến này chúng tôi đều chờ đợi cả, để liệu xem có làm tiếp hay không và làm thế nào”, giám đốc nhà hát nói.
Lợi thế nằm khu phố cổ, tập trung nhiều du khách, đại diện nhà hát cho biết, có đêm diễn thu hút 60% khán giả là khách quốc tế. Người chịu được vài chục phút, nhiều người ngồi xem đến cuối, điều này cũng là một trong số lí do để Cải lương Hà Nội mạnh dạn bước vào cuộc chơi.
Sau đêm diễn thí điểm, Mệnh đế vương tiếp tục sáng đèn ở rạp Chuông vàng. Khán giả Việt cứ xem như thường, du khách đã có tai nghe hỗ trợ. Phần tiếng Anh sẽ không thu sẵn vào đĩa vì sợ không khớp với nhịp diễn, mỗi tối có hai phiên dịch thay nhau đọc thoại. Không dừng lại ở vở diễn dài, nhà hát dịch kịch ngắn, trích đoạn kinh điển: Lưu Bình Dương Lễ, Kiều Nguyệt Nga, Dệt gấm… cùng một số bài dân ca, điệu múa dân tộc.
Theo lãnh đạo nhà hát, khách quốc tế đến Việt Nam đâu cần tìm hiểu cái gì ghê gớm. Mà cái chính là dịp để họ tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật truyền thống của ta. Xu hướng sắp tới: Khi ổn định về kỹ thuật, sẽ phối hợp với đơn vị du lịch liên quan. Chẳng lẽ khách ngoại đến Việt Nam thực đơn chỉ mỗi “ăn tối rối nước”?