Cái giá quá đắt từ thế giới ảo?

Để giải quyết mâu thuẫn trên mạng ảo, nhiều bạn trẻ đã chọn cách dùng bạo lực để thể hiện cái tôi, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Hương đang được các bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: K.Trung.

Facebook chỉ là thế giới ảo nhưng không ít bạn trẻ bị cuốn sâu vào những nút "like" hay "comment" để rồi quên đi cuộc sống thật của mình.

Tạt axít vì mâu thuẫn trên Facebook

Gần trưa 30/3, đang đi trên đường Quang Trung, TP HCM, chị Hoàng Tân Thị Thu Hương (20 tuổi, quê Đắk Lắk) và Trần Nguyễn Ái Duyên (21 tuổi, quê Bình Thuận) bị hai người đàn ông đi xe máy tạt ca axít vào mặt. Hương bị bỏng 75% vùng mặt, một mắt hỏng hoàn toàn.

Tại cơ quan điều tra, Trương Thị Kiều Quyên (21 tuổi, ở cùng phòng Hương) thừa nhận do mâu thuẫn nên rủ bạn trai đi mua axít rồi thuê người tạt vào mặt Hương để cảnh cáo. Hương và Quyên được cho là thường xuyên cự cãi và đe dọa nhau trên Facebook.

Đây không phải lần đầu tiên bạn trẻ dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội. Đầu tháng 3 vừa qua, em gái của Trịnh Công Đạt (21 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) mâu thuẫn với bạn gái của Lâm Quang Thiện (18 tuổi) trên Facebook. 

Đạt và Thiện hẹn ra ngoài giải quyết khiến một người bị chém đứt lìa bàn tay và một người khác bị thương nặng.

Nhiều người đến xem và cổ vũ cho trận "quyết chiến" của hai thiếu nữ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: FB.

Giữa năm 2014, Trần Thị Cúc (16 tuổi) và Phạm Nhã (17 tuổi, cùng ở phường 1, TP Cà Mau) mâu thuẫn trong những lần tán gẫu trên Facebook. Để giải quyết xích mích, Cúc và Nhã gọi "chiến hữu" hẹn nhau ra đường nói chuyện.

Ẩu đả xảy ra, thanh niên trong nhóm của Cúc lấy dao đâm anh Phạm Tại Toàn (nhóm của Nhã) trọng thương và tử vong sau đó.

Tháng 8/2015, cộng đồng mạng xôn xao vì trận thách đấu, giải quyết mâu thuẫn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ của hai cô gái. Thông tin này được hai thiếu nữ đăng trên trang cá nhân.

Nhiều bạn bè của "hai nhân vật chính" cũng lên mạng ủng hộ và hứa sẽ trợ giúp. Sau đó, hàng trăm người đến xem cuộc ẩu đả, gây náo loạn tuyến phố. Ảnh chế hai thiếu nữ thách đấu cũng được chia sẻ nhiều trong ngày.

Đây chỉ là một số vụ mâu thuẫn trên mạng ảo, đánh nhau thật mà nạn nhân và những người liên quan là các bạn trẻ. Nhiều em còn là học sinh, chưa đủ tuổi vị thành niên.

Những nút like, lời chia sẻ vô tội vạ của dân mạng vô tình trở thành con dao hai lưỡi khiến một sô cá nhân bị cuốn vào thế giới ảo, không biết phân biệt đúng sai và cũng chẳng cần biết kìm chế.

Hãy "lên mạng" văn minh

Không phải ai cũng thông minh khi dùng Facebook. Nhiều người nghĩ rằng mạng ảo thì chẳng ai biết ai nên cứ ngang nhiên gây hấn, xích mích, thách thức nhau. Thực tế, nhiều vụ việc đau lòng xuất hiện từ mạng ảo.

Đỗ Thanh Hồng, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết dù bị lên án nhiều nhưng không ít bạn trẻ "cứ lên mạng là chửi nhau, gân hấn", vì họ nghĩ không ai làm gì được mình. 

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều bạn trẻ cho rằng, thế giới ảo có thể tự do làm điều mình muốn. Nhiều bạn sử dụng mạng xã hội theo phong trào, chưa biết chọn lọc thông tin đúng cách. 

Bà cho rằng, nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh cách quản lý và có những bài học về cư xử đúng mực trên mạng xã hội cho học sinh.

Trước những hệ lụy của mạng xã hội, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng: "Người sử dụng Facebook cần thông minh, tỉnh táo hơn. Chúng ta phải bản lĩnh và cân nhắc mỗi lời nói của mình trước khi phát ngôn".

Theo Theo Zing