Cái chết được báo trước

Cái chết được báo trước
TP - Thời điểm cuối những năm cuối 1990 đầu 2000, khi Trung Quốc đồng loạt thải công nghệ xi măng lò đứng, cũng là lúc Việt Nam rầm rộ nhập về với giá hàng triệu đô la Mỹ. Nhưng chỉ chục năm sau, khi môi trường đã ô nhiễm, công trình đã xây dựng ra, xi măng lò đứng lần lượt được khai tử vì chất lượng và giá thành không cạnh tranh nổi xi măng lò quay.

Phong trào xi măng lò đứng được mở đầu bằng chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng, với lý do Việt Nam cần đầu tư gấp để phục vụ nhu cầu trong nước. 


Đặc biệt hơn là lý do vì nghèo nên ta chỉ có thể mua công nghệ lò đứng giá rẻ của Trung Quốc. Và rồi, hàng chục nhà máy xi măng lò đứng công nghệ Trung Quốc mọc lên bởi những doanh nghiệp nhà nước, hoặc vốn từ các địa phương chi đầu tư.

Nhưng khi mục tiêu của chương trình đạt được (năm 1997), công nghệ xi măng lò đứng vẫn được cấp phép xây dựng và chỉ chính thức kết thúc vào năm 2004 - với nhà máy cuối cùng. 

Cũng từ đây, xi măng lò đứng bước vào thời kỳ khó khăn, sản phẩm không cạnh tranh được về chất lượng, giá thành với xi măng lò quay. Kết quả, một số chuyển đổi công nghệ sang lò quay, số ít chuyển thành trạm nghiền clanke, một số chịu cảnh phá sản, hàng ngàn công nhân mất việc làm, môi trường ô nhiễm…

Những cảnh báo về “cái chết” của xi măng lò đứng đã có từ lâu, thậm chí quy hoạch xi măng đạt mục tiêu “xóa sổ” xi măng lò đứng vào năm 2016, với nhiều người chỉ để cho vui. Chưa cần tới nỗ lực của cơ quan quản lý bắt buộc chuyển đổi, các nhà máy xi măng lò đứng đã bị xi măng lò quay đưa vào dĩ vãng.

Nhưng đằng sau “cái chết” được báo trước của xi măng lò đứng, nhiều câu hỏi vẫn phải đặt ra. Tại sao những dây chuyền công nghệ được đầu tư hàng triệu đô la Mỹ được duyệt chi, chỉ để vận hành trong chưa đầy 10 năm? Những nhà máy xi măng lò đứng giai đoạn đầu hầu hết do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư?

Hậu quả, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, là do công nghệ lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng và rồi làm ra những công trình kém chất lượng. 

TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho biết, do chất lượng kém hơn xi măng lò quay, nên xi măng lò đứng chủ yếu sử dụng làm công trình nhỏ, ít quan trọng, như giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi… 

Thậm chí, với công trình sử dụng xi măng lò đứng, khi kiểm tra TS Trần Chủng còn phải thêm dòng lưu ý: “Đặc biệt lưu ý và giám sát chặt chẽ chất lượng”.

Kết cục người dân phải gánh chịu không chỉ công trình kém chất lượng, mà còn là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tốn nhiên liệu, tài nguyên… do xi măng lò đứng gây ra… Trong khi những người đầu tư không ai phải chịu trách nhiệm.

Không chỉ với xi măng lò đứng, không ít phong trào đầu tư khác, dù được cảnh báo kết quả nhưng vẫn đầu tư, như phong trào xây dựng nhà máy bia, cảng biển, nhà máy sắn, luyện gang thép… Và rồi câu hỏi lặp lại, tại sao ai cũng biết thất bại nhưng vẫn làm?

MỚI - NÓNG