'Cái bang' trên núi

Thầy Tuấn cùng các học trò trong chuyến du lịch tham quan Ðà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: NVCC.
Thầy Tuấn cùng các học trò trong chuyến du lịch tham quan Ðà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: NVCC.
TP - Mười năm gắn bó với vùng núi Axan - Tây Giang (Quảng Nam) thầy hiệu phó Nguyễn Quang Tuấn, 37 tuổi quê thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam trở thành “cái bang” bất đắc dĩ.

Mười năm gắn bó với vùng núi Axan - Tây Giang (Quảng Nam), hết từ trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Lý Tự Trọng tới trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, chừng ấy năm thầy hiệu phó Nguyễn Quang Tuấn, 37 tuổi quê thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam trở thành “cái bang” bất đắc dĩ. Không chỉ xin sách vở, áo quần, tua bin máy móc để ngăn suối làm thủy điện, pin mặt trời..., thầy còn làm xe ôm chuyên chở học trò ốm nặng xuống miền xuôi cấp cứu…

Ngăn suối làm điện, xin pin mặt trời cho trò học chữ

Con suối Kanol băng qua bản làng đưa nước mát về cánh đồng Axan xanh mượt. Trường dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng nằm trên triền đất cao. Từ năm 2006 khi trường thành lập, thầy cô trường đắp suối ngăn dòng để làm thủy điện cho trò. Hai năm nay, Axan có điện lưới. Nhưng nhà máy thủy điện thường xuyên gặp sự cố, có khi ngừng cấp điện cả tháng trời. Thế là thầy Tuấn lại cùng học sinh  khơi dòng dẫn nước vào tua bin máy điện lấy điện dự phòng. Từ đồn biên phòng Axan nhìn qua trường Lý Tự Trong vẫn sáng trưng. Ở đó, 400 học sinh miệt mài với con chữ.

Hồi đó cả vùng khu 7 này thắp đèn dầu. Từ trung tâm huyện đến trường phải đi bộ mấy ngày trời. Thương học trò, thầy cô góp tiền lương mua tua bin để làm thủy điện, rồi thay nhau cõng tua bin từ huyện lên. Ngày thầy cô kéo nhau xuống suối ngăn dòng, dân làng kháo nhau “thầy cô đang bắt cá!”. Ðằm mình 2 ngày liền, dòng suối được nắn về phía tua bin. Bóng đèn phát sáng trong tiếng reo hò của dân làng. Bắt chước, dân làng cũng làm thủy điện mini. Ánh điện bắt đầu lập lòe sáng ở bản làng miền biên cương. 

Thầy Tuấn kể, ngày đầu đặt chân về trường Lý Tự Trọng, nhìn các em mặc mỗi cái áo phông mỏng tang, đi chân đất giữa thời tiết lạnh cắt da cắt thịt, đứa nào cũng chân trần gầy rộc, đen nhẻm mà ứa nước mắt. Buổi sáng nhận công tác, buổi chiều thầy chạy xe máy hơn 200 cây số về xuôi xin áo quần cũ cho các em. Nhìn đám học trò xúm xít hớn hở khoe chiếc áo ấm, nâng niu những cuốn sách, thầy Tuấn nghĩ cách xin nhiều hơn nữa cho các em. Thầy chụp ảnh học sinh chịu rét, thiếu sách vở,… gửi tận tay các trường và các nhóm từ thiện. Rồi thầy đăng ảnh các em lên facebook. 

Học sinh thiếu cái gì là thầy xin cái nấy, từ cái kéo hớt tóc, đến nồi cơm điện, bàn chải đánh răng, đôi dép… Trang facebook của thầy nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt theo dõi và chia sẻ. Biết được thầy trò nuôi được đàn heo ở trường, dịp cuối năm 2014, CLB Sức trẻ (Ðà Nẵng), CLB từ thiện Sài Gòn vận chuyển vật liệu lên xây hầm biogas cho trường.  Ðể chủ động có điện trong những ngày suối cạn nước, một đêm thầy leo lên một quả đồi sau khu nội trú hứng sóng di động gọi điện cho bạn chuyên về điện để… xin. Người bạn liền gật đầu, ủng hộ một máy nổ, và tấm pin mặt trời về lắp cho trường.

Không chỉ xin cho trường mình, thầy Tuấn còn đi xin áo quần, sách vở cho các em ở các xã biên giới lân cận A Tiêng, Gary, Ch’ơm, A Xan và Tr’Hy. Ðều đặn một năm qua, thầy kêu gọi tài trợ gạo cho các em trường Tiểu học Gary (xã Gary) và trường PTDTBT & THCS Ch’ơm (xã Ch’ơm). Nhờ thế, học trò ấm bụng hơn để đến trường.

'Cái bang' trên núi ảnh 1

Thầy Tuấn khởi động hệ thống tua bin dùng nước suối để phát điện cho trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ðưa trò xuống du lịch đồng bằng

Nhiều thầy cô trong trường đùa rằng gặp được thầy Tuấn khó như tìm VIP bởi, trừ những hôm có tiết dạy, còn lại thầy chẳng mấy khi ở trường, cũng rất hiếm khi bắt gặp thầy ăn vận tươm tất. Ngay trong buổi trò chuyện với chúng tôi, bộ đồ thầy mặc trên người cũng còn nguyên vết bùn đất do mới trở về từ chuyến đi xin tủ hấp cơm.

Cũng vì lẽ đó, nhiều lần đi xin từ thiện, thầy gặp những chuyện cười ra nước mắt. Tháng 7/2013, thầy ghé vào một trường THCS ở Tam Kỳ để xin sách cũ thì bị bảo vệ trường đuổi. Sau rồi lãnh đạo trường ra, nghe mình nói chuyện thì đồng ý giúp ngay”.

rưởng phòng GD&ÐT huyện Tây Giang cho biết: “Ngay từ những ngày đầu công tác ở miền núi, thầy Tuấn đã dành trọn tâm huyết của người thầy giáo cho các học trò, đặc biệt là những công sức của thầy trong nhiều năm qua cho các trường vùng biên.

Gần chục năm đi dạy, có một dự định thầy luôn ấp ủ, đó là một lần được đưa các trò xuống đồng bằng du lịch. Hè năm 2014, thầy làm đơn bày tỏ nguyện vọng gửi lên Phòng GD&ÐT huyện cùng lãnh đạo trường Lý Tự Trọng. Lãnh đạo Phòng băn khoăn mãi mới chịu đồng ý, bởi chuyện đưa trò đi du lịch dưới phố xưa nay chưa ai làm. Nhưng khó nhất vẫn là thuyết phục phụ huynh, vì ai cũng sợ con xuống đó có người “bắt cóc”. Hơn hai tuần thầy đến từng nhà vận động, phụ huynh mới chịu gật đầu.

Thế rồi 26 học sinh có học lực khá, giỏi được “thưởng” bằng chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tham quan các danh lam thắng cảnh ở Quảng Nam và Ðà Nẵng. Các em được thăm tượng đài mẹ Thứ, thăm Hội An và tắm biển Mỹ Khê; được vào các trường kết nghĩa để giao lưu, học tập.

“Mình không thể nào quên được ánh mắt háo hức lẫn sợ hãi của các trò khi lần đầu tiên được nhìn thấy biển. Ở trên này các em chỉ biết rừng núi, suối hồ nên lúc đầu thấy biển là né và chạy ra xa. Sau đó, một em mạnh dạn xuống, các em khác cũng ùa theo sau, quậy nước tưng bừng”, thầy Tuấn xúc động kể.

'Cái bang' trên núi ảnh 2

Thầy Tuấn cùng học trò bên những món quà từ thiện vừa xin được. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thầy làm xe ôm

Suốt chục năm nay, thầy Tuấn kiêm luôn việc chạy xe máy đưa đón học trò và phụ huynh đau ốm xuống miền xuôi cấp cứu. Mấy tháng trước, em Blíu Thị Nương (lớp 8, trường Lý Tự Trọng) mắt không nhìn thấy gì, không đọc được chữ, bỏ học ở nhà. Biết chuyện, thầy Tuấn chở Nương xuống bệnh viện Ða khoa Quảng Nam khám. Các bác sỹ chẩn đoán em bị cận thị, nên thầy Tuấn cắt kính cho em. Nhưng khi đưa kính cho Nương, em nhất quyết không chịu đeo vì bạn bè trêu cười. Phải đến khi thầy Tuấn mở những tấm ảnh học sinh miền xuôi cũng nhiều em đeo kính, Nương mới chịu.

Vợ sinh con đầu lòng, thầy Tuấn quyết “hạ sơn” thăm con nhưng chưa kịp nhìn mặt con thì nhận tin em Ríh Thị Vàng (lớp 8) đau thận phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh nên tất tả chạy sang. Không chỉ lo cho học sinh, nhiều phụ huynh ốm đau, cũng kêu thầy đưa xuống bệnh viện khám.

Mấy tháng nay, thầy Tuấn đều đặn đến Trạm y tế quân dân của Ðồn biên phòng đóng tại xã Axan để học cách nhận biết các bệnh thông thường. “Mùa đông, số lượng học sinh ốm rất nhiều, một ngày mình không thể cứ chạy đi chạy lại hàng chục cây số để mua thuốc cho các em. Mình muốn dành một ít thuốc dự phòng chữa các bệnh như cảm cúm, sổ mũi,.. rồi khi có em nào đau ốm, mình hỏi ý kiến bên trạm quân y để phát thuốc”, thầy Tuấn nói.

Tháng 10 vừa qua thầy Tuấn được điều về làm Phó hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng). Ngày thầy đi, học sinh khóc như mưa, đứa ôm cổ, đứa níu áo. Dân bản người ôm bó rau rừng, người con cá suối mang đến cho thầy. Thầy Pơloong Nhao, Phó hiệu trưởng trường Lý Tự Trọng, xúc động: “Ngôi trường này mang ơn thầy Tuấn nhiều. Từ ngày thầy nhận công tác, học ra học, chơi ra chơi, không một học sinh nào bỏ học giữa chừng. Ðiều kiện học tập cũng không thiếu thốn như trước nữa”. 

MỚI - NÓNG
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
TPO - Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội) bị hư hỏng khá lớn do cây đổ vào khi bão YAGI đổ bộ. Tượng đài là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường, anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với chiến công của quân dân Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu những ngày mùa đông năm 1946.