Cùng với chuỗi hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp liên tục từ đầu năm 2021, Thành Đoàn kỳ vọng sẽ tiếp thêm “cafein” cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong ĐVTN trên địa bàn, giúp những “hạt giống” khởi nghiệp có thể nảy mầm và phát triển.
Khởi nghiệp từ giảng đường
Tham dự Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST TP Đà Nẵng năm 2020, sản phẩm trà túi lọc hoa nấm của nhóm sinh viên khoa Sinh – Môi trường (ĐH Sư phạm– ĐH Đà Nẵng) thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời. Dự án này cũng xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp ĐMST do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội.
Ấp ủ và hình thành nghiên cứu từ tháng 4/2020, nhóm sinh viên khoa Sinh - Môi trường gồm Lê Thị Phương Thu, Nguyễn Đoàn Nhật Huỳnh, Hồ Thị Trang và Bùi Đức Thắng mất nửa năm để hoàn thiện sản phẩm trà túi lọc với sự kết hợp của nấm linh chi, nấm vân chi, hoa cúc chi, hoa atiso và cỏ ngọt.
Theo trưởng nhóm Lê Thị Phương Thu, sản phẩm này chưa từng có mặt ở thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới. “Các loại nấm dược liệu có vị đắng, bổ dưỡng nhưng hương không đặc sắc, trong khi đó, hoa lại có hương thơm. Sự kết hợp này mang lại sự đầy đặn về hương vị. Các loại dược chất trong 2 loại nguyên liệu này cũng bổ sung cho nhau, tăng giá trị sản phẩm”, Thu nói.
Nhóm ứng dụng công nghệ chiếu xạ nguyên tử để tiêu diệt hoàn toàn các tác nhân vi sinh gây hại. Sản phẩm được kiểm định tại Trung tâm kiểm định chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 2 và Quatest 2. Hiện, nhóm đã sản xuất hơn 1.000 hộp sản phẩm trà túi lọc hoa nấm theo đặt hàng của ĐH Sư phạm để làm quà tặng nhân các sự kiện, hội nghị của trường.
Ngoài nhóm của Thu, khoa Sinh - Môi trường còn là “bệ đỡ” cho công ty khởi nghiệp Healthy Fungi (HFun) chuyên cung cấp phôi giống nấm, chuyển giao công nghệ, thiết kế mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Những thành viên sáng lập HFun khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã cùng nhau tham gia đề tài nghiên cứu công nghệ sinh học nấm. Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất trà túi lọc hoa nấm, nhóm sinh viên cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ HFun trong các khâu sản xuất và kiểm định.
Theo ThS Ngô Thị Hoàng Vân, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), một ý tưởng, đề tài từ giảng đường có thể ứng dụng thực tiễn, thương mại hóa hay khởi nghiệp là hành trình rất dài, không chỉ cần sự đam mê, nỗ lực từ các bạn sinh viên mà còn lại sự hỗ trợ, đồng hành từ nhiều phía.
“Gieo mầm” thế hệ khởi nghiệp mới
Những đề tài, sản phẩm tốt từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học (NCKH), khởi nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng không phải ít, có thể kể đến các ý tưởng như: Máy gom rác thủy bộ, Máy in gốm 3D, Gậy chỉ đường thông minh, Nghiên cứu thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi)… Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công với các sản phẩm đó lại không nhiều.
Theo anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Đà Nẵng, đa phần các dự án sau khi đoạt giải đều bỏ ngỏ hoặc lựa chọn chuyển giao lại cho các doanh nghiệp chứ ít bạn nào đủ đam mê và độ “liều” để khởi nghiệp. “Tâm lý chung của các bạn sinh viên sau khi ra trường đó là mong muốn có công việc ổn định, có thu nhập. Một vài dự án lại lựa chọn TPHCM là điểm đến để phát triển sản phẩm vì cơ chế “mở” hơn, dễ tiếp cận các nguồn đầu tư”, anh Hùng lý giải.
Trong nhiều năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng xác định hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp ĐMST trong sinh viên, học sinh là nhiệm vụ quan trọng, thông qua các cuộc thi sinh viên NCKH, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, festival khởi nghiệp…
“Đặt hàng” NCKH của sinh viên
Tại Triển lãm Công nghệ của SV trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng (BKDN Techshow) năm 2020, nhiều sản phẩm, đề tài sinh viên, học sinh THPT được trưng bày và được đánh giá cao về tính ứng dụng. Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, các nghiên cứu của sinh viên tập trung ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, các giải pháp chuyển đổi số, thành phố thông minh…; có thể sản xuất thương mại, chuyển giao và khởi nghiệp. “Năm 2020, có hơn 50 doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng hơn 280 nghiên cứu, dự án của sinh viên. Các NCKH đã từ giảng đường vào thực tế theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cách làm này có thể nhân rộng để tránh lãng phí nguồn lực từ sinh viên, tăng khả năng phát triển, ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ.
Năm 2021, Thành Đoàn triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong ĐVTN; huy động hiệu quả nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Cùng với DNES, Thành Đoàn đang xây dựng một chuỗi video, phóng sự mang tên “Cafein cho khởi nghiệp” để các startup thành công tại Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và cả bài học thất bại trong quá trình khởi nghiệp.
Ngoài đối tượng sinh viên, trong thời gian tới, các hoạt động khởi nghiệp sẽ hướng đến ĐVTN khối THPT, tạo nền tảng kế cận cho khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn. “Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST năm 2020, chúng tôi đã tổ chức Chuyến xe khởi nghiệp cho 100 học sinh THPT tham quan các không gian NCKH của các trường ĐH, các trung tâm khởi nghiệp trên địa bàn và nhận được sự phản hồi tích cực. Sắp tới, Thành Đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này với 7 chuyến xe khởi nghiệp, dự kiến triển khai vào cuối tháng 3/2021”, anh Hùng cho biết thêm.