Cách xử lý khi rệp hút máu làm tổ trong nhà

Rệp giường đã xuất hiện nhiều ở TP.HCM và Hà Nội - Ảnh: Khánh Trung.
Rệp giường đã xuất hiện nhiều ở TP.HCM và Hà Nội - Ảnh: Khánh Trung.
PGS.TS Trương Xuân Lam cho biết rệp nằm trong nhóm hút máu khủng khiếp bởi số lượng phát triển nhanh. Vậy cần làm gì để tiêu diệt loài công trùng này?

Rệp hút máu xuất hiện khắp nơi

Nhiều ngày nay sinh viên ở ký túc xá ĐH Công nghiệp TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp, TP.HCM) gọi điện về đường dây nóng Zing.vn phản ánh tình trạng bị rệp cắn, hút máu, gây mẩn ngứa, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong phòng, rệp bò lổm ngổm trên chiếu của sinh viên. Thậm chí trứng rệp còn bám vào các kẽ hở của thang giường và chiếu.

Không chỉ ở TP.HCM, theo thông tin từ PGS.TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, loài côn trùng này cũng đang xuất hiện tại Hà Nội.

Về loài côn trùng này, ông Lam cho biết thuộc bộ cánh cứng, có thể sống ở các ngóc ngách trong nhà, phát triển qua 3 giai đoạn (trứng, ấu trùng và trưởng thành).

Ở giai đoạn trưởng thành, rệp giường đẻ trứng trong các khe giường tủ, đệm, ga, tờ giấy và vải vóc, quần áo, nhưng vòng đời ngắn từ 28-32 ngày. Mặc dù thời tiết lạnh giá của mùa đông không phải là điều kiện thích hợp cho sự sinh sôi và phát triển nhưng hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp loài rệp quanh năm.

Rệp giường không tự lan truyền mà phải có sự tác động của con người bằng cách di chuyển các vật dụng chứa ấu trùng từ nơi này sang nơi khác. Vì thế, trong cùng một ngôi nhà, phòng này có rệp nhưng chưa chắc đã lan sang nơi khác.

Thông tin thêm, ông Trương Xuân Lam cho biết, rệp giường nằm trong nhóm hút máu “khá khủng khiếp” bởi chúng phát triển với số lượng nhanh, nhiều.

Khi bị rệp giường đốt, người bệnh sẽ xuất hiện những chấm đỏ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những vị trí ưa thích của loài côn trùng này là lưng, bả vai, cạnh sườn của con người.

Ở giai đoạn ấu trùng, rệp hút máu liên tục và thường xuất hiện về đêm. Cá thể rệp có thể lưu giữ mầm bệnh nguy hiểm như sốt phát ban, sốt hồi quy. Ngoài ra, loài côn trùng này còn có thể truyền nhiễm một số bệnh nhưng ông Lam cho biết chưa có nghiên cứu rõ ràng.

Cách xử lý khi rệp hút máu làm tổ trong nhà ảnh 1 Tuy thuộc nhóm hút máu nhiều nhưng rệp giường không đáng lo ngại nếu biết phòng chống - Ảnh minh họa

Cách xử lý

Theo chuyên gia côn trùng học, khi bị rệp hút máu, chúng ta thể xử lý kịp thời bằng cách dùng các loại thuốc mỡ có kháng sinh bôi vào vết thương. Tuy nhiên, nếu bị đốt quá nhiều, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tuy rệp giường thuộc nhóm hút máu với số lượng lớn nhưng PGS.TS Trương Xuân Lam khẳng định không đáng sợ và có thể tiêu diệt triệt để bằng những phương pháp đơn giản, ít tốn kém.

Phương pháp thủ công:

- Ngâm quần áo, chăn màn… trong nước sôi có pha xà phòng bởi rệp sẽ chết ở nhiệt độ từ 45-50 độ C.

- Đun sôi nước, pha xà phòng rồi tưới lên các khe giường, tủ ngày 2 lần và làm liên tục trong vài ngày bởi loài côn trùng này có thể “đùn” lên các lứa rệp tiếp theo với số lượng lớn.

- Dải lá sen tươi dưới giường ngủ hay đáy tủ có rệp bởi loài này rất sợ mùi lá sen.

- Dùng lá thuốc lào tươi, thái nhỏ và rắc vào các khe giường tủ hay nơi rệp ẩn náu.

- Hun rệp giường bằng hơi nóng của nước bằng cách dùng bình phun hơi nóng, xả liên tục vào vị trí rệp làm tổ khoảng 1h đồng hồ. Đây được xem là biện pháp an toàn, hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Phương pháp hóa học:

- Dùng các loại thuốc diệt mối, muỗi để phun 1 lần/tuần. Nên phun buổi sáng rồi để khô hoặc đem phơi dưới nắng.

- Nếu quá nhiều rệp, cần gọi cơ quan dịch tễ trợ giúp.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG