Cách phòng tránh tử vong khi trẻ sặc sữa

Cách phòng tránh tử vong khi trẻ sặc sữa
TPO - Một bé trai 10 ngày tuổi vừa tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh do sặc sữa khi đang bú mẹ. Vậy làm sao để phòng tránh trẻ khỏi tử vong do sặc sữa? Hãy lắng nghe lời khuyên của bác sĩ về vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị T (26 tuổi), mẹ đẻ cháu bé vừa tử vong cho biết, khi đang cho con bú, thấy cháu bị khó thở, khóc nhiều, nên vợ chồng vội đưa bé đến Bệnh viện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cấp cứu.

Khi nhập viện, bé trong tình trạng ngạt thở, toàn thân tím tái, đồng tử giãn. Dù được bác sĩ tận tình cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Theo nhận định của các bác sí, cháu bé bị ngạt do sặc sữa khi bú và có dấu hiệu của bệnh về hô hấp.

Bác sĩ Phó Đức Nhuận - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, cho biết, sặc sữa thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trẻ 3 - 4 tháng tuổi, bắt đầu biết tiếp xúc với những người xung quanh, vẫn bị sặc sữa.

Có rất nhiều nguyên nhân gây sặc sữa ở trẻ như: mẹ vừa cho con bú vừa nói chuyện với trẻ, trẻ mải hóng chuyện có thể ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí, trẻ cười, có thể gây sặc. Một số gia đình mua phải núm vú cao su có lỗ thông quá rộng; sữa chảy nhiều, chảy mạnh khiến trẻ không nuốt kịp...

Cũng có một số trẻ, không chịu bú bình, các bà mẹ dùng thìa hoặc chén đổ sữa vào miệng, ép uống khiến trẻ không nuốt kịp, dễ bị sặc. Đặc biệt, có một số thói quen gây nguy hiểm cho trẻ như bịt mũi bắt trẻ nuốt; đút thức ăn khi trẻ khóc; trẻ vừa ăn vừa ngủ hay các bà mẹ vừa ngủ, vừa cho con bú… khiến trẻ không nuốt được, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi gây tắc được hô hấp.

Sặc là hiện tượng thức ăn, nước uống đi lạc vào đường thở (hay đường hô hấp) tại vùng hầu - họng.Trong cơ thể người, vùng hầu - họng nằm phía sau khoang miệng. Đó là “ngã tư” của đường ăn và đường thở. Tại ngã tư này, đường ăn đi từ khoang miệng qua hầu - họng xuống thực quản (để đi tiếp vào dạ dầy) còn đường thở đi từ mũi, qua hầu - họng xuống thanh quản và khí quản để đi vào phổi.

Bình thường, hoạt động của thần kinh vùng hầu - họng tạo nên phản xạ tự nhiên để thức ăn, nước uống không đi nhầm đường. Cụ thể là khi nuốt, thức ăn hoặc nước uống đi qua hầu - họng, tại đây, lưỡi gà ở vòm họng co lên, bịt kín đường thông lên mũi; ở thanh quản, nắp thanh quản (còn gọi là tiểu thiệt) sẽ đóng lại che kín đường thông vào thanh - khí quản. Vì thế, chỉ còn một đường duy nhất cho thức ăn, nước uống từ hầu họng đi vào thực quản.

Vì đường thông khí đã đóng lại nên trong lúc đang nuốt thì người ta không thở. Trường hợp nếu đang nuốt lại có phản xạ thở thì gây ra hiện tượng sặc.

Các phản xạ tự nhiên này có ngay từ khi trẻ mới chào đời (các cháu sinh non tháng, do thần kinh phát triển chưa đầy đủ, các phản xạ này chưa hoàn thiện nên tình trạng sặc dễ xẩy ra nhiều hơn).

Sặc rất nguy hiểm cho trẻ nếu thức ăn nước uống bị hít vào trong phổi. Nếu sặc nặng và không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong nhanh chóng.

Cách phòng tránh tử vong khi trẻ sặc sữa ảnh 1
Tuyệt đối không cho trẻ bú khi trẻ đang khóc. Ảnh: Internet

Xử trí thế nào?

Bác sĩ Nhuận khuyên, để hạn chế tình trạng trẻ bị sặc khi cho bú, cho ăn, bà mẹ và các bảo mẫu cần chú ý:

- Khi cho bú, trẻ thường bị sặc ngay từ những dòng sữa đầu tiên, dù là bú mẹ hay bú bình cũng vậy vì lúc này dòng sữa đổ vào miệng bé ào ạt và đột ngột; nhất là khi cháu bé đang đói.

Do đó, mẹ phải giữ bầu vú (hoặc không bao giờ đục lỗ đầu vú cao su to quá) để hạn chế tốc độ dòng sữa không cho chẩy quá nhanh vào miêng bé lúc ban đầu.

- Khi cho bé uống sữa, ăn cháo hoặc ăn bột cũng phải cho ăn, uống từ từ. Chờ trẻ nuốt xong miếng trước rồi mới cho ăn tiếp miếng sau. Không ép buộc, dọa nạt cháu.

- Trong lúc trẻ đang bú hoặc đang ngậm thức ăn trong miệng, không nói chuyện hoặc làm cho trẻ cười vì phản ứng của trẻ khi cười, nói sẽ làm thông đường thở trong lúc miệng bé đang có thức ăn, nước uống.

- Nếu trẻ đang khóc thì phải dỗ cho bé nín rồi mới cho ăn hay bú. Đặc biệt khi trẻ đang nức nở là lúc có những nhịp hít vào mạnh sau cơn khóc cũng phải chờ cho qua rồi mới cho ăn hay bú.

- Không bao giờ được bịt mũi hoặc miệng trẻ để buộc bé phải nuốt thức ăn khi trẻ ngậm trong mồm như một số bà mẹ đã làm và nhiều trường hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp không may trẻ đang bú hay ăn bị sặc thì ngay lập tức ngừng việc cho ăn, cho bú; Nếu trẻ đang được mẹ bế bú thì lật nghiêng đầu trẻ sang một bên hoặc lật sấp trẻ xuống; nếu trẻ đang ngồi hoặc đứng thì giúp trẻ ngả đầu và thân mình ra phía trước để chất gây sặc có thể thoát ra ngoài, không chạy vào đường thở.

Trường hợp trẻ ho rũ rượi, mặt đỏ tía hay tím tái, mẹ lập tức ngậm miệng mình vào mũi con, một bàn tay bịt miệng trẻ lại (trường hợp con còn quá nhỏ thì ngậm miệng cả vào mồm và mũi bé) mút thật mạnh để thức ăn trong đường thở của bé được hút vào miệng mình rồi nhổ ra ngoài. Có thể làm như thế vài lượt rồi cho trẻ đi cấp cứu kịp thời.

Cách cho trẻ bú để tránh sặc

- Với trẻ bú sữa bình: Bình pha sữa của trẻ phải tiệt trùng bằng cách luộc kỹ, đảm bảo vệ sinh khi pha sữa, lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú.

Khi trẻ bú, nên nghiêng chai sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn.

Khi cho bú phải để trẻ bú từ từ và liên tục kiểm tra xem trẻ có nuốt kịp không?

- Với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ: nếu sữa mẹ xuống quá nhiều mà trẻ chưa nuốt kịp, người mẹ có thể dùng hai ngón tay kẹp bớt đầu vú lại ngăn bớt sữa xuống.

Ban đêm, muốn cho trẻ ăn, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ lên bằng hai tay đặt trẻ ở tư thế thoải mái, lúc đó mới bắt đầu cho trẻ bú. Sặc sữa có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhũ nhi. Tai biến này thường gặp ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.

Linh Hà
Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.