Cách phòng bệnh viêm màng não mô cầu tốt nhất

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Có thể phòng bệnh não mô cầu một cách chủ động. Ở nơi đang có dịch xảy ra thì cách phòng bệnh tốt nhất là cách ly người bệnh không để tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em. 

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, ở thể nặng tỷ lệ tử vong còn rất cao. Bệnh dễ gây thành dịch nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu phố.

Trong một khoa, buồng bệnh có người bệnh não mô cầu thì cần đeo khẩu trang cho người bệnh, người lành và cả người phục vụ vì vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp.

Môi trường sống ở nơi có người bệnh viêm não mô cầu cần được phun thuốc diệt vi khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế thật sạch như ngâm vào nước đang đun sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B...

Với các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu thì cần được uống hoặc tiêm kháng sinh dự phòng tùy theo từng loại kháng sinh và tùy theo lứa tuổi. Dùng kháng sinh gì và liều lượng ra sao cần phải có đơn của bác sĩ khám bệnh, tuyệt đối không tự mua thuốc dùng cho bản thân, người  thân hoặc con, em mình.

 Việc phòng bệnh có hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng ngừa cho mọi đối tượng chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn não mô cầu hoặc những người chuẩn bị đến các vùng có dịch bệnh não mô cầu.

Cũng cần lưu ý là khi nghi ngờ trẻ bị bệnh viêm não mô cầu cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc do chủ quan hoặc chần chừ hoặc tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị.   

Phòng bệnh bằng cách tiêm vaccin, dùng các thuốc rifampin, sulfamid, tetracyclin, chlorocid  điều trị dự phòng cho thành viên trong gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế và những người tiếp xúc với bệnh nhân, các hộ ở xung quanh nhà bệnh nhân.

Vaccin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu không cần thiết phải tiêm cho tất cả trẻ nhỏ bởi vaccin không có hiệu lực cao với trẻ dưới 2 tuổi. Tuy vậy, cha mẹ trẻ nên đưa con đi tiêm nếu trẻ có nguy cơ bị bệnh cao như gần nơi có xảy ra dịch bệnh, tiếp xúc với trẻ bị bệnh...

Cũng có khuyến cáo nên tiêm vaccin đối với những người làm việc trong phòng thí nghiệm - nơi thường tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu, những người đi du lịch tới các vùng đang có dịch não mô cầu xảy ra.

Tiêm chủng nhắc lại có thể được chỉ định cho những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao (ví dụ người hiện đang sống trong vùng có vụ dịch xảy ra), đặc biệt là những trẻ khi được tiêm liều vaccin thứ nhất lúc dưới 4 tuổi. Những trẻ này nên được tiêm nhắc lại sau 2-3 năm nếu chúng vẫn có nguy cơ bị bệnh cao.

MỚI - NÓNG