Cách nhận biết bệnh lao

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Khi xâm nhập cơ thể, vi khuẩn lao có thể theo đường máu và bạch huyết đến cư trú, phát triển và gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể

Tùy theo vị trí bị bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là lao phổi và lao ngoài phổi. Bệnh lao ở phổi hay còn gọi là lao phổi chiếm 80%, còn lại 20% là những thể lao khác nhau. Mỗi thể lao đều có những dấu hiệu riêng của nó nhưng thường gặp là lao phổi. Bệnh lao được xếp vào bệnh xã hội, nên được nhà nước quản lý theo hệ thống từ trung ương đến địa phương và điều trị miễn phí.

Các dấu hiệu điển hình thường gặp

Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi, tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được để phát hiện bệnh kịp thời. Vì vậy, đại đa số bệnh nhân mắc bệnh lao phổi đều không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh diễn biến nặng. Dưới đây xin dẫn những dấu hiệu điển hình thường gặp để mọi người có thể đi khám sớm và được điều trị kịp thời.

- Ho: Ho là triệu chứng của mọi bệnh phổi cấp và mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi mà đã dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

 Khạc ra đờm: Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy, nếu sau khi đã dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng khạc đờm không giảm thì người bệnh có triệu chứng ho khạc trên 3 tuần phải nghĩ đến do lao phổi. Ho khạc đờm là những dấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi ý nguyên nhân lao phổi.

- Ho ra máu: Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi, thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi - phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản…) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…).

- Đau ngực, khó thở: Đau ngực là triệu chứng dễ nhận thấy khi ta bị bệnh lao phổi. Ho nhiều sẽ gây ra ức chế lên phế quản, gây ra tình trạng khó thở, đau ngực, nhất là khi phổi đang bị tổn thương thì khả năng trao đổi khí sẽ càng khó khăn hơn.

- Gầy, sụt cân: Là triệu chứng thường gặp ở số đông người lao phổi. Những người bệnh gầy, sụt cân không rõ nguyên nhân, không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS… nhưng có các triệu chứng hô hấp như đã nêu trên phải nghĩ ngay tới lao phổi.

- Sốt: Là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều. Những người có triệu chứng sốt như trên cùng với các triệu chứng về hô hấp như ho, khạc đờm, ho ra máu… phải nghĩ tới do lao phổi.

- Ra mồ hôi: Là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi, ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường hay gọi là ra mồ hôi trộm, ở trẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

- Chán ăn, mệt mỏi: Là dấu hiệu rất phổ biến, có thể do tác động tâm lý, tình trạng sức khỏe, căng thẳng, stress gây nên các ức chế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ không muốn ăn uống. Nhiều người bỏ qua dấu hiệu quan trọng này.

Mắc lao không có nghĩa là chấm hết

Cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lao phổi để có phương hướng và giải pháp điều trị kịp thời. Sự chủ quan, lơ là sẽ rút ngắn con đường dẫn đến nguy hiểm tính mạng. 

Một khi gặp phải những dấu hiệu trên hoặc nghi ngờ có khả năng mang vi khuẩn lao, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để làm những xét nghiệm chuẩn xác. 

Nếu đúng là mắc lao cũng không có nghĩa mọi thứ sẽ chấm hết bởi hiện nay đã có cách trị bệnh dựa theo các phác đồ, đồng thời kết hợp một chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh sẽ sớm trả lại cho chúng ta lá phổi khỏe mạnh.

Mục đích của việc điều trị lao là tiêu diệt hết vi khuẩn lao ở nơi tổn thương để khỏi bệnh và tránh tái phát, hạn chế các biến chứng và tử vong, dập tắt các nguồn lây lan cho cộng đồng. 

Điều trị lao chủ yếu dùng thuốc. Tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao cho trẻ. Cần tiêm trong vòng 6 tháng sau sinh và tiêm nhắc lại khi đến 15 tuổi.

Với người bệnh, không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển thì nên ngủ giường riêng, dùng riêng chén đũa, cốc chén và phải rửa bằng nước sôi sau khi dùng. 

Áo quần, chăn màn hằng tuần phải được ngâm nước sôi sau khi giặt. Khi nói chuyện, có thể đeo khẩu trang hoặc không nhìn đối diện vào mặt người khác. Cần kiên trì điều trị lao đúng thời gian và theo hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn.

Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.