Trao đổi với Tiền Phong, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, hiện có đầy đủ quy định với xe kinh doanh vận tải nhưng vẫn tồn tại xe hợp đồng “trá hình”.
Theo ông Thống, xe hợp đồng “trá hình” chạy trong phố gây ách tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, ảnh hưởng tới quy hoạch chung.
Dự thảo Luật Đường bộ trong đó có Khoản 10 Điều 56 quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe).
Theo đó, ông Thống cho rằng, quy định này cho mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Điều này sẽ loại bỏ xe hợp đồng “trá hình”.
Tại buổi tọa đàm “Ứng xử với xe hợp đồng” do Báo Giao thông tổ chức chiều 13/6, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, xe hợp đồng đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của hành khách. Người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Do đó, dễ hiểu vì sao xe hợp đồng phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn.
Xe hợp đồng "trá hình" tùy tiện đón trả khách. |
Ông Quyền nói: "Cơ quan quản lý Nhà nước nên có cái nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này sao cho phù hợp. Chúng tôi là người kinh doanh nên phải trên dựa trên cơ sở của thị trường, xã hội. Nhờ có khoa học công nghệ, các đơn vị vận tải đưa ra hình thức kinh doanh mới đáp ứng sự mong đợi của người dân, xã hội".
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải - cho rằng: “Bất kỳ cái gì cũng có hai mặt. Làm thế nào để đưa hoạt động đón, trả khách của xe hợp đồng vào khuôn khổ? Lộ trình trước mắt cần nghiên cứu hạn chế về mặt không gian. Xác định được các vị trí có thể thành lập “bến xe ảo” với thời gian dừng, đỗ khoảng 3-5 phút ở khu vực nội thành, ngoại thành để loại hình vận tải khách theo hợp đồng hoạt động”.
Ông Sùa kiến nghị rằng, tuyến đường nào không cấm dừng đón trả khách thì đều có thể hoạt động. Phương tiện xe hợp đồng cũng cần hạn chế từ 16 chỗ trở xuống, điểm đón, trả khách đảm bảo khoảng cách đi bộ từ 500 m trở xuống chứ không phải vài cây số. Thời gian hoạt động có thể hạn chế trong khung giờ cao điểm để đảm bảo an toàn.
Theo thống kê, nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần. Trong số 331.914 xe khách có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển. Như vậy, xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách.