Các chuyên gia đề nghị, cần thực hiện đấu thầu thay vì chỉ định thầu, đồng thời công khai, minh bạch hóa thông tin để thuận tiện cho xã hội giám sát.
Đấu thầu để tăng tính cạnh tranh
Ngày 19/10, KTNN tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT, những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, cùng với BOT, hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao) đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn. So với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này.
Tuy nhiên theo Tổng KTNN, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa, hoặc diện tích lớn. “Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Đánh giá cao việc phát huy nguồn lực xã hội từ hình thức đầu tư BT, tuy nhiên PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành V cho rằng, nhiều dự án BT không hiệu quả và là cơ hội cho lợi ích nhóm, tham nhũng và tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận.
Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là có thực sự cần thiết phải áp dụng hình thức hợp đồng BT hay không? Tại sao lại lựa chọn hợp đồng BT thay cho hình thức quản lý dự án như truyền thống? Tại sao khi được triển khai tại Việt Nam thực sự là mảnh đất cho tham nhũng và tiêu cực để cho nhiều nhà đầu tư khai thác và tìm kiếm lợi nhuận?...
“Câu trả lời là, chúng ta đã áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ các hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng”, ông Trọng nhìn nhận.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Trương Hải Yến, kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT cho thấy cơ chế, chính sách và thực tế triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.
Đáng lưu ý, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu. Mặt khác, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.
Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, theo bà Yến, các dự án BT ngoài đảm bảo các điều kiện khác theo quy định hiện hành phải nằm trong kế hoạch đầu tư công và được HĐND thông qua. Đồng thời, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Mặt khác cần quy định nhà đầu tư phải thực hiện, hoàn thành dự án BT trước khi được giao đất.
KTNN chuyên ngành II kiến nghị, Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hoặc văn bản hướng dẫn về quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, thời điểm xác định giá đất để làm căn cứ thanh toán cho phần chi phí xây lắp hoặc cách thức tính giá đất để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Với Bộ GTVT, cần xây dựng cơ chế giám sát đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho cả vòng đời dự án; bổ sung và hoàn thiện các định mức kinh tế, kỹ thuật đối với việc xây dựng, vận hành và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin về các dự án đầu tư theo hình thức PPP để thuận tiện cho xã hội giám sát.
Đến lúc chấm dứt đổi đất lấy hạ tầng?
Đề cập khoảng trống pháp luật trong hình thức BT, theo TS Phạm Quang Tú, chuyên gia, của Oxfam Việt Nam, đến nay, hàng loạt dự án BT đã được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác, nhiều dự án đã được chấp thuận và báo chí đã cảnh báo về kẽ hở tham nhũng.
Tại TPHCM, chỉ trong một năm, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư), trong đó có 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất. Tại thời điểm tháng 6/2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới hàng chục nghìn tỷ đồng; trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, với tổng vốn đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng. “Vậy bao nhiêu đất trả nhà đầu tư cho vừa ?!”, ông Tú nêu vấn đề.
Còn tại Hà Nội, báo chí cũng đã nêu 2 dự án BT có biểu hiện sai phạm: Dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội, sau 9 năm thực hiện mới chỉ xây dựng được 12 km đường. Trong khi đó, đất đai cho phát triển khu đô thị mới Thanh Hà đã được giao cho chủ đầu tư và họ đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác. Thứ hai là Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, KTNN đã vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm, như chất lượng yếu kém, dấu hiệu gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Đáng lưu ý vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì có 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau. “Đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, có thể chỉ cho phép áp dụng tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn rất thiếu”, ông Tú nêu quan điểm.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng kém minh bạch. “Để công khai minh bạch, khi triển khai các dự án BT, BOT cần thực hiện phương thức đấu thầu dự án, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án. Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh”, ông Đặng Văn Thanh nói.
“Cần giải quyết vấn đề về cơ chế để đảm bảo đã đấu thầu công khai là phải thực chất. Đối với dự án BT, phải thẩm định dự án chặt chẽ, thẩm định được năng lực nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức công vụ và cái tâm của người đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án BT trong các khâu thực hiện dự án. Nếu tham nhũng, nếu không vì đất nước, để nhà đầu tư dẫn dắt thì sẽ dễ dẫn đến sai phạm, đến thất thoát rất lớn cho tài sản quốc gia”.
PGS.TS Đặng Văn Thanh