Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội để Việt Nam bứt phá

Thủ tướng tham quan và trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tiên phong về công nghệ ở Việt Nam.
Thủ tướng tham quan và trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tiên phong về công nghệ ở Việt Nam.
TP - “Cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ. Nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, biết thúc đẩy mô hình mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Cuộc chơi lớn, thách thức lớn

Phát biểu tại Hội thảo “Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ở Hà Nội ngày 5/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của các nhà tổ chức. Theo Thủ tướng, công nghiệp (CN) thông minh một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng chính là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền CN đang “thâm dụng” vốn và lao động của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) Việt Nam bắt buộc phải có sự chuyển đổi. Trước mắt là tự nâng cao năng lực để có tiếp cận phù hợp, chủ động tận dụng được cơ hội này.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và doanh nghiệp (DN), Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, sự tiếp cận còn rời rạc, thiếu kết nối. “CMCN 4.0 hay CN thông minh là một cuộc chơi lớn. Việt Nam muốn chủ động tiếp cận để tăng tốc phát triển phải đồng sức, đồng lòng, huy động được nguồn lực toàn dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là nguồn lực trí tuệ con người và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và DN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với CM 4.0, phát triển đất nước. Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị gia tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Thủ tướng cũng cảnh báo: Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Việt Nam ngày càng có nguy cơ tụt hậu nhanh hơn. Nhiều tác động của văn hóa, môi trường, an ninh cũng đặt ra thách thức lớn hơn. Đa số DN Việt nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng chuyển đổi mô hình để nắm bắt xu hướng tiến bộ của 4.0 vào sản xuất, phát triển. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng CN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ; Cần phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới.

“Cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với CM 4.0, phát triển đất nước. Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị gia tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý: “Trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, đòi hỏi chiến lược riêng về CN 4.0 của Việt Nam cần phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, bước đi phù hợp, có các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi”.

Theo ông Bình, quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia; có chính sách đào tạo lại đối với lao động, có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng; yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu CMCN 4.0”.

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá

Trọng tâm của CN 4.0 là một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số. Dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, vào năm 2025 hàng loạt điểm bùng nổ sẽ xuất hiện, chẳng hạn như: 90% dân số sử dụng điện thoại thông minh và thường xuyên truy cập Internet; 80% người dân có hiện diện số trên Internet; 90% người dân có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); có 1 ngàn tỷ cảm biến kết nối Internet; 50% lưu lượng kết nối ở nhà là từ các thiết bị và đồ gia dụng.

Ông Tống Viết Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel cho biết: trong 3 cuộc CMCN trước, yếu tố nguồn vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực là một rào cản, ngăn cản nhiều quốc gia tham gia vào tiến trình và đuổi kịp những người đi trước. Nhưng với CM 4.0, do mới ở giai đoạn đầu, câu chuyện có thể sẽ khác. Trước hết, việc xây dựng nền tảng hạ tầng viễn thông băng thông rộng để truyền tải, lưu giữ, phân tích dữ liệu số. Việc này sẽ đỡ tốn kém và nhanh chóng hiệu quả hơn rất nhiều so với đầu tư vào hạ tầng, đường sá, nhà xưởng hay máy móc. “Kinh doanh dựa trên công nghệ số cũng đòi hỏi ít vốn hơn nhiều so với các ngành CN truyền thống khác như cơ khí, luyện kim, hóa chất, sản xuất ô tô - những ngành đòi hỏi lợi thế về quy mô”, Ông Trung khẳng định.

Việt Nam phải làm gì để có thể đón được cơ hội và không để lỡ chuyến tàu 4.0? Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN chỉ ra: để có thể tiếp cận thành công cơ hội của cuộc CMCN 4.0 , Việt Nam cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của chính mình dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Phó TGĐ Viettel Tống Viết Trung đề nghị, trước hết Chính phủ cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số. Đồng thời, khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Cùng đó, Việt Nam cần phải có các giải pháp hạn chế những mặt trái của cuộc cách mạng số: Thách thức về chuyển dịch lao động và an sinh xã hội; Tăng kết nối cũng là tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, nhất là vấn đề an ninh, an toàn không gian mạng ngày càng quan trọng; ngoài ra, sự thống trị của nền tảng số như Facebook, Google, đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian số sẽ là một thách thức với tất cả các quốc gia…

“Dù lỡ nhịp cả ba cuộc CMCN trước đây nhưng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá trong cuộc CMCN 4.0 lần này. Chúng ta cần sự chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm với trọng tâm là hệ sinh thái công nghệ thông minh dựa trên kết nối số. Đã đến thời điểm đòi hỏi sự nhập cuộc, dấn thân của cả cộng đồng để thay đổi và tự đẩy mình lên phía trước”, ông Tống Viết Trung khẳng định.

* Chiều 5/12, tại Hội thảo và Triển lãm công nghiệp thông minh còn có 3 Hội thảo chuyên đề thảo luận về xu thế phát triển, khai phá các giải pháp công nghệ mới cũng như đề xuất các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong các lĩnh vực Sản xuất, Thương mại - Dịch vụ và phát triển Đô thị thông minh.

* Với tầm nhìn và chiến lược xây dựng đô thị thông minh, “Thành phố thông minh ở Việt Nam” là chủ đề nóng rất được quan tâm. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện chúng ta đang định hướng xây dựng thành phố thông minh đạt chuẩn các chỉ số thành phố thế giới, mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn thích ứng với điều kiện Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.