'Cách ly' có đáng sợ không?

TP - “Mỗi người trong chúng ta đều có những sự hy sinh và nỗi đau thầm lặng. Đừng sống chung với nó mà hãy gói một góc nhỏ để trong lòng” - anh Phạm Quang Long (ở Trúc Bạch, Hà Nội) chia sẻ nhiều vấn đề sau thời gian cách ly phòng ngừa dịch Covid-19 với báo Tiền Phong, ngày 16/3.
'Cách ly' có đáng sợ không? ảnh 1 Anh Long (bìa trái) chuẩn bị rời phố đến khu cách ly Ảnh: Phạm Long

Những ngày gần đây, anh Long bỗng trở thành “người nổi tiếng” trên Facebook. Trang cá nhân của anh nhận được hàng chục ngàn lượt like, bình luận, chia sẻ khi ghi lại hành trình bản thân đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2. Một trong những lý do, nhà anh ở phố Trúc Bạch, chỉ cách nhà nữ bệnh nhân Covid-19 N.H.N số 17 vài số nhà. Chúng tôi ghi lại những chia sẻ của anh.

“Cách ly” có buồn không?

Đêm 6/3, có lẽ nhiều người dân Hà Nội không ngủ khi thông tin về nữ bệnh nhân Covid 19 N.H.N được công bố. Thật không may, chúng tôi thuộc diện buộc phải cách ly do nhà ở gần tư gia bệnh nhân số 17.

'Cách ly' có đáng sợ không? ảnh 2 Suất cơm ngon không tưởng trong khu cách ly Ảnh: Phạm Long
Khi nhận được “lệnh”, trong đầu tôi chợt nghĩ, 14 ngày nằm tách biệt với thế giới hẳn rất buồn. Vì thế tôi quyết định chuẩn bị ít đồ cá nhân, xách thêm cây đàn ghi-ta, tắm rửa sạch sẽ rồi điện thoại báo cho phường tôi đã sẵn sàng. Chỉ 10 phút sau có xe 115 đến đón tôi cùng với 1 người ở gần đó, lên đường qua Đông Anh.

Trên đường đi, tôi không khỏi lo lắng sẽ bị hạn chế thông tin, điều kiện sinh hoạt chật chội. Xe đến nơi đúng 3h sáng. Sau khi kê khai thông tin cá nhân, tôi di chuyển lên tầng 8 của bệnh viện, một mình một phòng. Thật bất ngờ khi thấy ở đây rất đầy đủ, wifi miễn phí, căng đét. Phòng sạch sẽ, nhà vệ sinh trắng phau. Tốt rồi, tôi bèn nhắn tin về cho gia đình rồi yên tâm đi ngủ.

Khoảng 5h sáng, tôi bị đánh thức để cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm họng, mũi. 10h đã thấy có đồ ăn sáng là 1 tô bún mọc để sẵn trên bàn. Dù đồ ăn đã nguội, nhưng khá ngon. Đến 11h, chúng tôi có kết quả xét nghiệm âm tính ban đầu nên được đưa sang phòng 4 người là em trai và 2 ông hàng xóm ngay dưới nhà mình. Vui rồi. Phòng chừng 40m2, điều hòa có nhưng chúng tôi được yêu cầu không dùng mà bật quạt và mở cửa sổ cho thoáng. Có cả một khu nhỏ để hút thuốc, phơi đồ trong phòng. Nói chung, mang tiếng là đi “cách ly” nhưng điều kiện y như đi nghỉ dưỡng.

11h15, cơm trưa, nói thật là tôi bất ngờ vì độ ngon của cơm. Cam đoan ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè. Cơm nóng được bọc trong giấy bạc để giữ nhiệt, cùng với một món xào, 2 món mặn và canh. Quá ổn. Quanh nơi tôi cách ly là khoảng trên 30 phòng từ nhỏ đến lớn. Hỏi thăm mới biết những người đi cách ly là các bác sỹ Bệnh viện Hồng Ngọc, một số hộ dân phố Trúc Bạch, nhóm nhân viên tòa nhà số 125 Trúc Bạnh, nơi bệnh nhân số 17 ở.

Nếu hỏi đi “cách ly” có buồn không? Câu trả lời là có buồn so với khi chưa cách ly. Điều tôi thật sự muốn chia sẻ, đó là “cách ly” không phải điều gì đáng sợ, hay ghê gớm. Chỉ là sinh hoạt trong một khu vực nhất định mà thôi.

Trước khi đi, tôi đã tự dặn mình với 14 ngày ở một chỗ thì điều cần nhất là tinh thần lạc quan. 

Khi F1, F2 bị “bủa vây” trong ánh mắt kì thị

Sau khi viết và đăng lên trang cá nhân, tôi thật sự sốc vì thấy quá nhiều người chia sẻ, quá nhiều bình luận, hỏi han. Người thì quan tâm hỏi han sức khỏe, thậm chí có người còn chúc mau hết bệnh - cứ như thể ai đi cách ly cũng trở thành bệnh nhân, như thể đã “dương tính” với Covid-19 vậy.

Suốt đêm sau đó, tôi gần như không ngủ, nằm nghĩ ngợi và nhận ra tất cả ở 2 từ: “cách ly”. Thật sự rất nặng nề!

Không biết từ lúc nào, “cách ly” đã trở thành điều gì đó rất xấu, phải cách ly với xã hội. Thông tin cá nhân về bệnh nhân số 17 nhanh chóng được cư dân mạng “đào” bới, rồi một bản danh sách những người F1, F2 phải đi cách ly lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.

Có nên chăng, thay vì dùng từ “cách ly”, hãy dùng cụm từ: “Thực hiện trách nhiệm xã hội”, sẽ đúng và có ý nghĩa hơn nhiều. Bản thân chúng tôi ở đây khỏe mạnh, đã được xét nghiệm ban đầu âm tính và nếu xét về tình huống, khả năng - chúng tôi an toàn hơn so với ở ngoài kia nhiều.

Hằng ngày, chúng tôi được phục vụ cơm nước tận nơi, sát khuẩn thường xuyên, chả phải bận tâm đến chuyện xếp hàng mua thực phẩm hay lo sợ nhiễm bệnh khi ra ngoài. Nếu lỡ có nhiễm virus, thì mình cũng được phát hiện và cứu chữa đầu tiên.

Chúng tôi ở nơi đây, tuy gò bó, tù túng quanh những bức tường, nhưng cũng không hề có ai muốn trốn ra ngoài vì đều nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Các y tá, bác sỹ cũng rất nhẹ nhàng, không coi chúng tôi là bệnh nhân.

Ám ảnh virus “thông tin”

Trong những ngày làm người nổi tiếng vì đi cách ly, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi han, có những câu hỏi ngô nghê đến mức buồn cười. Hay có những câu mà chỉ giám đốc bệnh viện mới có thể trả lời. Cho đến ngày 9/3, tôi không muốn xuất hiện trên Facebook nữa vì thấy quá mỏi mệt. Khi tĩnh tâm và không để ý tới Facebook, tôi mới nhận ra rằng, mình bị mệt mỏi bởi đứng giữa một rừng thông tin không biết đâu là thật, đâu là giả.

Dịch Covid 19 đến với chúng ta không loại trừ một ai, già trẻ lớn bé, người giàu, người nghèo và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Nếu như bình thường, giờ này ở ngoài chắc tôi vẫn đang quay cuồng với các kế hoạch làm sao để vượt qua mùa dịch cho cái quán của mình, rồi nghe ngóng thông tin về dịch bệnh mà chả nghĩ được gì hơn.

Tôi nghĩ mọi người cũng vậy, người làm công ăn lương thì sợ bị sa thải, cắt giảm lương. Người làm kinh doanh sợ thua lỗ, phá sản. Về nhà là đau đầu chuyện phòng chống Covid-19. Lên mạng định giải trí, thì 10 status 9 cái là covid. Chỗ nào cũng Covid, nhìn đâu cũng thấy Covid.

Thông tin chính thống từ các báo đài đang rất đầy đủ và minh bạch. Chúng ta chỉ nên cập nhật hàng ngày. Nếu các bạn nghĩ rằng nhà nước giấu giếm thông tin thì liệu tôi có thể ngồi phòng cách ly dùng internet tốc độ cao thoải mái không? Chỉ khi thoát khỏi nhiễu loạn thông tin, ta mới có thể có được sự minh triết trong nhận định, tỉnh táo, lạc quan để chiến thắng Covid 19 - anh Phạm Quang Long.

Covid ám ảnh chúng ta tới mức làm sai lệch suy nghĩ, nhận định của không ít người. Bởi nếu suy nghĩ đúng, chẳng ai đi chen chúc mua thực phẩm khi mà chỗ đông người là chỗ dễ lây lan nhất. Chúng ta bị loạn thông tin về con virus, nhưng nguy hiểm hơn chính là con Covid thông tin. Nó nhanh chóng lây lan trên mạng xã hội, đeo bám ta khắp nơi chứ không chỉ ảnh hưởng phạm vi bán kính 2 mét như Covid-19.

Giữa 4 bức tường, nguồn thông tin duy nhất với bên ngoài là chiếc điện thoại. Tĩnh tâm và nhìn lại, tôi thấy Facebook là con Covid khổng lồ. Nó ám ảnh ta từ sáng mở máy, đi làm thì bàn tán, tối về cũng Covid, mọi chủ đề đều là covid. Covid-19 chưa giết người Việt Nam nào, nhưng Covid thông tin đã gây hoang mang cho rất nhiều người, làm tăng sự nghi ngờ hỗn loạn trong mỗi con người. 

Hơn lúc nào hết, hãy chia sẻ những điều tốt đẹp, những bức ảnh đẹp, những điều tích cực để tạm thời lọc và giết chết con virus thông tin từ mỗi chúng ta.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.