Cách làm sáng tạo của Bắc Ninh đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

TPO - Xây dựng điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam và phát triển hệ thống phân phối là cách làm sáng tạo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh để đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trong tỉnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trong tỉnh luôn được Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng mang tên “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” thông qua các chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm khuyến khích, hưởng ứng người tiêu dùng mua hàng Việt.

Đồng thời, Sở đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác, doanh nghiệp trong và nước ngoài.

Đặc biệt, Sở đã phát triển hạ tầng thương mại để mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bắc Ninh có 3 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, 106 chợ, trên 300 cửa hàng tiện lợi và trên 9.000 cửa hàng tổng hợp, tạp hoá đang thực hiện tốt việc phân phối, lưu thông hàng Việt đến người tiêu dùng.

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết lập và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động bình ổn thị trường, chương trình kích cầu tiêu dùng và các hoạt động khuyến mại, tri ân khách hàng”, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Bắc Ninh đưa hàng Việt đến công nhân trong khu công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thắng

Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”

Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, cơ quan này có cách làm mới trong thực hiện triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đó là xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” cố định tại huyện Yên Phong.

Bước đầu, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” và “Tinh hoa hàng Việt Nam” đã thu hút được sự chú ý của người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sính hàng nhập khẩu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu rộng mô hình bán hàng Việt này.

Để giúp hàng Việt lan toả, Bắc Ninh cũng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức đưa hàng Việt về địa bàn khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các đợt bán hàng luôn thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước.

Bắc Ninh phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng đưa hàng Việt đến người tiêu dùng

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 2 hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP; vận động các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh tham gia một số hội chợ triển lãm trong nước như Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam, Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2024.

Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh chấp thuận tổ chức triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam 2024 với quy mô trên 700 gian hàng của trên 500 doanh nghiệp; trong đó có trên 300 doanh nghiệp Việt Nam.

Việc triển khai quyết liệt các chương trình kích cầu hàng hoá, tăng tiêu thụ hàng Việt và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, cuộc vận động đã và đang tiếp tục có sức lan tỏa, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức... nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt; coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc.

Các chương trình được triển khai cũng góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn về chất lượng hàng hóa, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sức lan tỏa của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Ở chiều ngược lại, cùng với sự tăng nhận biết, tin dùng hàng Việt, cuộc vận động còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, quan tâm cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới bán lẻ, đưa hàng về nông thôn, khu cụm công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh… góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, khu đô thị, khu công nghiệp; thông tin kịp thời tình hình giá cả, cung cầu hàng hóa tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng để tiếp tục đưa hàng Việt đến người dân trong tỉnh.

“Chúng tôi khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các thương nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống cửa hàng, cửa hiệu, chợ góp phần mở rộng kênh phân phối hàng Việt theo hướng bền vững”, đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết.

Theo thống kê, đến nay trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.