Cách kiểm soát đường huyết hiệu quả cho người tiểu đường

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Theo các nghiên cứu chỉ có khoảng 10-20% các bệnh nhân tiểu đường ở nước ta không kiểm soát được đường huyết đạt mục tiêu, hậu quả là tỷ lệ bệnh nhân bị các biến chứng nguy hiểm và tử vong do bệnh tiểu đường tăng cao.

Để điều trị thành công bệnh đái tháo đường và tránh được các biến chứng. Ngoài việc phải dùng thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của thầy thuốc, các bệnh nhân tiểu đường hãy thực hiện tốt 10 biện pháp đơn giản sau đây để có được sức khoẻ tốt:

1. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý

Ăn ít mỡ, đặc biệt là các loại mỡ no (saturated fat), ăn nhiều chất xơ và ăn vừa phải chất carbohydrate. Bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá no vào các bữa ăn chính. Ngoài ra cũng phải hạn chế muối, không nên ăn mặn.

2. Duy trì chế độ tập thể dục thể thao đều đặn

Tập ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và ít nhất 3-5 ngày mỗi tuần. Lưu ý phải chọn các môn thể dục thể thao phù hợp với hoàn cảnh bệnh, và cần đi khám hoặc xin ý kiến thầy thuốc trước khi tập nặng.

3. Đo đường huyết thường xuyên

Không được để đường máu rơi vào vùng nguy hiểm (cao hoặc thấp quá). Các bệnh nhân tiểu đường mới được chẩn đoán hoặc mới thay đổi chế độ điều trị, đường huyết còn cao cần đo 2-4 lần/ngày. Còn khi đường huyết đã ổn định cũng vẫn cần đo 2-3 lần/tuần, cả trước bữa ăn và sau bữa ăn 2h.

4. Kiểm tra huyết áp và mỡ máu định kỳ

Nếu có huyết áp tăng hoặc có rối loạn mỡ máu thì phải điều trị. Lưu ý là mục tiêu huyết áp và mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường phải thấp hơn người bình thường

5. Hạn chế uống bia rượu

Nếu bạn có uống thì hãy lựa chọn loại rượu bia thích hợp (ví dụ rượu vang), và chỉ uống vừa phải. Không được uống rượu hàng ngày.

6. Không hút thuốc lá

Nếu đang hút thì phải bỏ ngay vì thuốc là là kẻ thù của hệ tim mạch mà ở các bệnh nhân tiểu đường họ đã có nguy cơ rất cao bị các biến chứng tim mạch rồi.

7. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày

Nếu thấy bất cứ dấu hiệu gì bất thường phải báo ngay cho bác sĩ. Nguy cơ cắt cụt chân ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15 lần so với người bình thường. Có thể bệnh nhân chỉ bị loét nhẹ bàn chân nhưng không thể liền và phải mổ cắt cụt cả bàn chân hoặc cẳng chân do hậu quả của đường huyết cao, tắc mạch máu do xơ vữa động mạch và biến chứng thần kinh của tiểu đường.

8. Khám mắt và đo điện tim định kỳ

Các bệnh nhân tiểu đường có thể bị thiếu máu cơ tim nặng hoặc có biến chứng đáy mắt nặng nhưng hầu như không có triệu chứng, và khi thấy có đau ngực hoặc mờ mắt đã là ở giai đoạn muộn rồi và hiệu quả điều trị rất kém.

Vì vậy, khám mắt và làm điện tim định kỳ mỗi 6-12 tháng, kể cả khi không có triệu chứng gì, có thể giúp phát hiện các biến chứng tim, mắt ở giai đoạn sớm, khi đó điều trị rất hiệu quả.

9. Đi khám bệnh thường xuyên

Thông thường khi đường huyết dao động từ 4-15 mmol/l thì đa số bệnh nhân vẫn nghĩ là bình thường vì không có triệu chứng gì. Thực mức đường huyết đó có thể gây nhiều biến chứng và cần kiểm soát tốt.

Khám bệnh thường xuyên cũng giúp phát hiện sớm các biến chứng hoặc tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... mà người bệnh không thể tự phát hiện được.

10. Luôn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống

Với căn bệnh đái tháo đường là cực kỳ quan trọng và là vũ khí hữu hiệu để “sống chung với lũ”. Tất nhiên phải là sự tích cực và lạc quan có cơ sở, dựa trên nền tảng hiểu biết tốt, điều trị và theo dõi thường xuyên dưới sự giám sát của thầy thuốc.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG