Các trường ngoài công lập kiến nghị Bộ trưởng Nhạ không cho học sinh nghỉ hè 3 tháng

Các trường ngoài công lập kiến nghị để các trường tư tự chủ kế hoạch dạy học và hoạt động.
Các trường ngoài công lập kiến nghị để các trường tư tự chủ kế hoạch dạy học và hoạt động.
TPO - Một số trường ngoài công lập đã ký đơn gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc đóng cổng trường, cho học sinh nghỉ hè 3 tháng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên cũng như thiếu thời gian dạy kỹ năng sống.

Chiều 9/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng, hiệu trưởng các trường ngoài công lập ở Hà Nội đã cùng ký đơn gửi lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Nội dung đơn như sau:  “Ngày 30/6/2020 Bộ GD&ĐT thông tin, Bộ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9. Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Theo các Hiệu trưởng, các trường tư thục hiện còn đang vật lộn đối phó với cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vừa mở cửa đón học sinh quay trở lại liền đối mặt với nỗi lo về “rủi ro chính sách” trước thông báo của Bộ về việc sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT. Mặc dù chưa biết Bộ sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1/9”, chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang. 

Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành Qui chế hoạt động của các trường phổ thông tư thục, Khoản 3, Điều 14 quy định: 

“Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm, ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung.”  

“Các trường tư tới đây có được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm để thực hiện các chương trình nhà trường hay không? Hơn nữa, khi học sinh và phụ huynh có nhu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động hè, câu lạc bộ, ôn tập củng cố kiến thức cũ cho các em học yếu...trong thời gian nghỉ hè trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và thỏa thuận, liệu có được hay không?”, nội dung đơn viết.

Cũng trong đơn kiến nghị, các nhà quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng, Luật Giáo dục quy định: “Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.”

Trường tư thục khác với trường công lập ở chỗ phải tự lo tất cả, tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.  Hiện nay hệ thống các trường phổ thông tư thục được hình thành và phát triển gần 30 năm qua theo đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng, có đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân, giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách, giảm áp lực sĩ số các trường công lập ở đô thị lớn. Chúng tôi đặc biệt cảm động trước sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cá nhân 2 đồng chí đối với khối tư thục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chọn 1 trường tư thục để đến thăm sau khi nhận nhiệm vụ.

Các trường tư thục được Đảng và nhà nước có chính sách khuyến khích hoạt động, được nhà nước cho phép hoạt động theo quy chế riêng do Bộ ban hành. Ngoài việc chấp hành các qui định pháp luật nhà nước, các trường tư thục còn phải hoạt động theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, tự lo về nguồn tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, bảo đảm sự tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và có trách nhiệm trong những cam kết và thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Và chúng tôi cũng chịu những tác động to lớn của chính sách của các cơ quan nhà nước. Chính sách đi một li, các trường chạy dài một dặm. 

Nay nếu Bộ sửa đổi thông tư 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng quản lý nhà nước với trường tư như với trường công lập, thì không những quy định sáng suốt trên đây mà Bộ xây dựng bị vô hiệu hóa, mà quyền của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc sử dụng thời gian nghỉ hè cũng bị xâm phạm. Khi bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông, các cháu lại lao vào game hay các hoạt động không lành mạnh, hậu quả đó thực khôn lường!

Vì vậy bằng thư này, chúng tôi kiến nghị khẩn cấp lên đồng chí Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách, nếu không tạo điều kiện hơn nữa cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường tư thục thêm thời gian tổ chức hoạt động hè bổ ích cho các em, thì đề nghị các đồng chí giữ nguyên như hiện  nay”. 

Trước đó, Bộ GD&ĐT thông tin, trong năm học tới sẽ tinh giản chương trình, học sinh học thực hiện chương trình trong vòng 35 tuần và có thời gian nghỉ hè trọn vẹn trong 3 tháng. Riêng năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường không được tập trung học sinh trước ngày 1/9. Thông tin này, khiến nhiều phụ huynh, học sinh đồng tình, ủng hộ. Vì ngoài thời gian học tập, học sinh cần có thời gian nghỉ hè, tham gia các hoạt động thể thao, giải trí để phát triển toàn diện thay vì  chỉ có học và học. Tuy nhiên, một số nhà quản lý giáo dục trường tư thục cho rằng, việc yêu cầu trường tư đóng cửa trường trước ngày khai giảng khiến họ không có thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục đặc trưng của nhà trường. Ngoài ra, học sinh nghỉ học kéo dài, nhà trường không có nguồn thu, giáo viên cũng không có lương. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.