Các trường mới dạy sinh viên bơi… trên cạn

Các trường mới dạy sinh viên bơi… trên cạn
TPO - Ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Tổng giám đốc Công ty Chè Việt Nam cho rằng, nhiều trường đại học đào tạo ngành nông - lâm - thuỷ sản còn thiên quá nhiều về lý thuyết, sinh viên ra trường thường chưa làm được việc ngay.
Các trường mới dạy sinh viên bơi… trên cạn ảnh 1
Nhiều trường vẫn còn đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu thực hành, sinh viên khó bắt tay vào công việc ngay khi ra trường. Ảnh minh họa: zing.vn

Ngày 5/11, Hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực chế biến Nông - Lâm - Thuỷ sản theo nhu cầu xã hội đã được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, hiện cả nước có 28 trường thuộc khối ngành Nông - Lâm - Thuỷ sản và 55 trường đại học, cao đẳng có đào tào ngành học này.

Ở khối dạy nghề, có 1.783 cơ sở, bình quân mỗi tỉnh có từ 5 - 7 tổ chức dạy nghề cấp tỉnh. Mỗi huyện đều có các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp và có từ 1 đến 2 tổ chức dạy nghề.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng cho biết, cả nước có hơn 14.000 sinh viên (trên tổng số 1.603.484 sinh viên) đang theo học các ngành nghề liên quan trực tiếp đến chế biến Nông - Lâm - Thuỷ sản, chiếm tỷ lệ 4,82%.

Mỗi năm, nước ta cần khoảng 1.300 đến 1.500 người có trình độ đại học trở lên, 4.000 - 5.000 người có trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và 6.500 - 7.000 công nhân kỹ thuật các chuyên ngành, trong đó có ngành nghề nông – lâm – thủy sản.

Tuy nhiên, nhiều đại diện doanh nghiệp dự hội thảo cho rằng, chất lượng sinh viên sau khi ra trường ở ngành này chưa cao, thiếu nhiều kỹ năng làm việc.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Tổng giám đốc Công ty Chè Việt Nam, hiện nay, các trường đại học đào tạo sinh viên ra làm… lãnh đạo, chứ không phải làm chuyên môn.

Ông Tài kiến nghị, các trường nên giảm thời lượng những môn lý thuyết, tăng thời gian đào tạo thực hành để tránh tình trạng “dạy sinh viên bơi trên cạn” như hiện nay.

Trong khi đó, ông Trần Đức Sinh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng khẳng định, ngành lâm nghiệp đang thừa số lượng nhưng thiếu những người có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu.

Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cho rằng, lao động trong ngành chế biến Nông - Lâm - Thuỷ sản vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.

Trong tổng số 40 cán bộ của Cục Chế biến, Thương mại Nông - Lâm - Thuỷ sản, chỉ có 10 người đúng chuyên môn và cũng chỉ có 10 người có trình độ trên đại học...

Kết luận hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 4 nội dung đào tạo gắn với chế biến Nông - Lâm - Thuỷ sản. Một trong số đó là phải chú trọng đào tạo cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng dạy nghề có kiến thức, kỹ năng để ra trường là có thể làm việc ngay.

MỚI - NÓNG