Các tỉnh cần năng động, tiếp cận cơ hội để phát huy thế mạnh của mình

TPO - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi dự khởi công, khánh thành 4 dự án lớn của tỉnh Thái Bình, là dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, công bố quy hoạch khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dự án bệnh viên đa khoa Quốc tế 1.000 giường và dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Cùng dự với Thủ tướng còn có các ông: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy viên Kiểm tra T.Ư; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Đảng, phó Chủ tịch QH; đại diện các Bộ, ban, ngành T.Ư; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Phát biểu khi tham dự khởi công, khánh thành các dự án này, Thủ tướng đánh giá rất cao vai trò của các dự án trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống người dân của tỉnh Thái Bình nói riêng, vùng Nam đồng bằng sông Hồng nói chung. Thủ tướng cũng biểu dương lãnh đạo tỉnh Thái Bình trong việc đã rất nỗ lực để tiếp cận, mời gọi, tạo môi trường thông thoáng để các tập đoàn, doanh nghiệp đồng ý đầu tư về tỉnh này.

Các tỉnh cần năng động, tiếp cận cơ hội để phát huy thế mạnh của mình ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và khởi công tuyến đường bộ ven biển Thái Bình và công bố quy hoạch khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp Thái Bình.

Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, 4 dự án được khởi công, khánh thành trong ngày 14/2 đều là các dự án trọng điểm, có vai trò đột phá về kinh tế, xã hội và nâng cao điểu kiện, mức sống của người dân tỉnh này.

Cụ thể, dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình vừa được khởi công có chiều dài 34,42km, tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc đạt 80km/giờ. Đây là dự án góp phần kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Các tỉnh cần năng động, tiếp cận cơ hội để phát huy thế mạnh của mình ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ khánh thành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Dự án bệnh viện đa khoa Quốc tế 1.000 giường tại khu Trung tâm Y tế tỉnh thuộc phường Trần Lãm và xã Vũ Chính ( TP.Thái Bình) do Tập đoàn FLC đầu tư với nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng theo mô hình bệnh viện - khách sạn đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Đây sẽ là bệnh viện quy mô hàng đầu ở khu vực Nam đồng bằng sông Hồng với quy mô diện tích 12 ha, gồm chín hạng mục chính, trong đó có khu nhà khám liên khoa; khu vực khoa truyền nhiễm và khoa chống truyền nhiễm; khu công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú…

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động tại Thái Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, khởi công ngày 22/2/2014 với tổng mức đầu tư gần 26,6 nghìn tỷ đồng, trong đó 85% là vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại 15% là vốn đối ứng của EVN.

Nhà máy gồm hai tổ máy với tổng công suất 600 MW (2 x 300 MW). Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng lượng than đầu vào (loại than cám 5) từ 1,3 - 1,5 triệu tấn/năm. Dự kiến sau khi đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện hàng năm từ 3,6 - 3,9 tỷ kWh, dự kiến cho doanh thu 6.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng/năm.

Các tỉnh cần năng động, tiếp cận cơ hội để phát huy thế mạnh của mình ảnh 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế  tại Thái Bình.

Cùng với khởi công, khánh thành các dự án trọng điểm trên, ngày 14/2, tỉnh Thái Bình cũng công bố qui hoạch, triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Theo đó, Khu công nghiệp có diện tích 200ha nằm trên địa bàn ba xã: An Thái, An Ninh, An Cầu (huyện Quỳnh Phụ) do Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đầu tư dự án. Mục tiêu của dự án là xây dựng, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín với sản phẩm đầu ra: cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; nghiên cứu, thực nghiệm các loại giống lúa, ngũ cốc; đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm hữu cơ (Organic) cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 của tỉnh này.

MỚI - NÓNG