Các sự kiện thể thao nổi bật của Việt Nam năm 2015

Lý Hoàng Nam trong vòng vây báo giới và người hâm mộ khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng chiếc cúp vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Ảnh: Ngô Tùng
Lý Hoàng Nam trong vòng vây báo giới và người hâm mộ khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất cùng chiếc cúp vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Ảnh: Ngô Tùng
TP - Đây là những sự kiện thể thao nổi bật, có sức hút lớn đối với cộng đồng trong năm 2015. Một số thể hiện sự đột phá về chất của thể thao Việt Nam, là tiền đề cho định hướng đầu tư lâu dài của ngành thể thao.

1.Thể thao Việt Nam thắng lớn ở SEA Games 28, Singapore

Tại giải đấu diễn ra ở Singapore hồi tháng 6, Việt Nam đã đoạt 73 HCV, đứng thứ 3 toàn đoàn. Chiến thắng của Việt Nam thể hiện ở chỗ trong số 73 HCV nói trên, chiếm 88% là thuộc các bộ môn Olympic. Dẫn đầu là đội tuyển điền kinh với 11 HCV. Bơi lội đứng thứ 2 với 10 HCV và TDDC đứng thứ 3 với 9 HCV. Cả 3 môn này hiện đều có một loạt VĐV trẻ đầy tiềm năng như Nguyễn Thị Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Duy Khôi (bơi lội); Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thị Huyền, (điền kinh); Đinh Phương Thành, Trần Đình Vương (TDDC). Thành tích ở SEA Games 28 cho thấy kết quả trong thay đổi định hướng đầu tư tập trung vào các môn Olympic của thể thao Việt Nam, thay vì định hướng “đi tắt, đón đầu, nữ làm chủ công” trước đây.

2. Ánh Viên đi vào lịch sử bơi lội khu vực

Kình ngư Quân đội đã toả sáng rực rỡ ở SEA Games 28. Cô là VĐV nước ngoài nổi bật nhất theo bầu chọn của nước chủ nhà Singapore. Trong 12 nội dung tham dự, Ánh Viên đã đoạt 10 huy chương, gồm 8 HCV cá nhân, phá 8 kỷ lục! Cô đồng thời vượt chuẩn A Olympic ở cự li 400m tự do để giành vé tham dự Olympic Brazil 2016. Tại SEA Games 28, truyền thông Singapore đã dùng cụm từ “kình ngư thép” để mô tả về kình ngư trẻ của Việt Nam và cô thực sự là một hiện tượng truyền thông của thể thao khu vực.

3. Đội tuyển U23 Việt Nam giành vé dự VCK U23 châu Á

Trong chiến dịch vòng loại diễn ra ở Malaysia hồi tháng 3/2015, Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura đã thắng tuyển Olympic nước chủ nhà 2-1, thua tối thiểu đối thủ mạnh ở châu lục là Nhật Bản 0-1 trước khi thắng đậm Macau (Trung Quốc) 7-0, qua đó đoạt vé tham dự VCK U23 châu Á 2016. Đây là thành tích lớn của bóng đá trẻ Việt Nam từ trước đến nay. Thành tích của đội tuyển Olympic Việt Nam là điểm nhấn trong 1 năm các đội tuyển trẻ của Việt Nam thi đấu đặc biệt thành công, trong đó U16 cũng giành vé dự VCK châu Á. Tuyển U23 tại SEA Games 28 cũng đoạt HCĐ, thành tích cao nhất trong 3 kỳ SEA Games gần đây.

4. Lý Hoàng Nam tạo cột mốc mới cho quần vợt Việt Nam

Tay vợt sinh năm 1997 là VĐV đầu tiên của Việt Nam lọt vào tốp 1.000 trên bảng xếp hạng ATP. Lý Hoàng Nam hiện đứng thứ 913 thế giới. Thành tích này của anh đã được nhắc tới trên tạp chí Tennis World USA của Mỹ. “Việc một tay vợt lọt vào tốp 1.000 không phải tin tức lớn mỗi ngày. Nhưng nó thực sự ấn tượng nếu bạn đến từ Việt Nam”-Tennis World USA viết về Lý Hoàng Nam.

Trong năm 2015, Lý Hoàng Nam còn cùng với tay vợt người Ấn Độ Sumit Nagal đoạt chức vô địch đôi nam trẻ Wimbledon. Những kết quả trên được đánh giá là thành công từ định hướng đầu tư của đơn vị chủ quản Bình Dương cho tay vợt người Tây Ninh.

5. Lứa đầu học viện HA.GL-Arsenal-JMG thất bại ở V.League

Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo giới hâm mộ bóng đá Việt Nam. Sau thành công ở các giải trẻ năm 2014, bầu Đức đã quyết định loại gần như toàn bộ lứa cầu thủ cũ để “đôn” các cầu thủ thuộc học viện HA.GL-Arsenal-JMG lên thi đấu ở V.League 2015. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… trở thành “thỏi nam châm” kéo CĐV tới sân. Sức hút của HA.GL đã át cả phần còn lại của V.League. Tuy nhiên, thành tích chuyên môn của HA.GL lại không tốt. Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của các cầu thủ trẻ đã bộc lộ rõ khi phải thi đấu ở một sân chơi có tính chất cạnh tranh thực sự. Bầu Đức đã không thể giữ lời khi buộc phải “chuyển việc” HLV Guillaume Graechen, và đưa trợ lý người Việt Nguyễn Quốc Tuấn lên thay. HA.GL dù vậy cũng chỉ trụ hạng sau các vòng đấu cuối cùng.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.