Các nhà văn và chuyện “ăn, chơi”

Các nhà văn và chuyện “ăn, chơi”
NĐVN - Tết nhất các nhà văn, nhà thơ toàn nói chuyện... ăn với chơi, có điều, chuyện ăn chơi của nhà văn quả cũng “văn” hơn người thường thật.
Các nhà văn và chuyện “ăn, chơi” ảnh 1
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Võ Thị Xuân Hà người gốc Huế, xuất thân là cô giáo dạy Toán, sau chuyển hẳn sang nghề văn, nổi tiếng với những truyện ngắn: “Lúa hát”, “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, “Cô gái quàng chiếc khăn xanh”... và hai tiểu thuyết “Tường thành”, “Trăng nước giá lạnh”.

Văn Võ Thị Xuân Hà thâm trầm, giàu nữ tính, không thiếu những sự nổi loạn ngầm. Võ Thị Xuân Hà đã từng mấy lần mở quán cà phê (khá thành công), vốn liếng kiến thức về ẩm thực của chị nhờ thế cũng có cái hơn người.

Là người gốc Huế, chị có hứng thú với những món ăn của Huế không?

Đương nhiên là có. Vì món ăn Huế không đơn thuần chỉ là món ăn. Đó còn là nguồn nuôi dưỡng dòng máu cội nguồn, là văn hoá, là một phần tố chất tạo nên phong cách Võ Thị Xuân Hà, dù tôi không sống ở quê nhà.

Chị biết nấu những món gì có cái đuôi “Huế”?

Nhiều lắm. Chí ít là những món đồ mặn. Chẳng hạn như vịt tiềm, cá chiên tỏi, canh cá long hội nấu với thơm (dứa), cá bống thệ kho mắm ruốc... Một vài món ăn chay. Chẳng hạn như vả luộc trộn nộm, bánh bột lọc nhân chay... Tạm thời thì tôi không thể kể hết ra được. Chỉ khi có bạn bè và cần trổ tài nấu nướng, tôi mới “trình diễn”, tuỳ theo mùa mà nấu những món gì để đãi bạn.

Điều quan trọng nhất của những món Huế là gì?

Là gia vị. Sự gia giảm gia vị. Cách ướp các món. Lửa và tình cảm của người đầu bếp. Cuối cùng là cách trình bày món ăn.

Món Huế nào mà Võ Thị Xuân Hà không thể quên và lâu lâu không được thưởng thức lại nhớ vô cùng?

Bánh canh và chè đậu ván.

Những món ăn của Huế có gì liên quan đến văn chương của chị không?

Liên quan rất nhiều. Bất cứ truyện ngắn hay tiểu thuyết nào viết về Huế đều có những món ăn Huế xuất hiện, bằng cách này hay cách khác. Hơn nữa, như đã nói ở trên, những món ăn Huế trên thực tế và trong tâm thức đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, để những trang viết luôn ẩn chứa hình ảnh quê hương, dù tôi sinh ra, lớn lên và sống ở Hà Nội.

Nhà văn Băng Sơn

Các nhà văn và chuyện “ăn, chơi” ảnh 2
Bìa sách của nhà văn Băng Sơn

Nối tiếng là người viết nhiều và viết “sành” về Hà Nội, nhà văn Băng Sơn đã xuất bản cả một tập sách về “Thú ăn chơi của người Hà Nội” rất được những người yêu Hà Nội hâm mộ. Văn của ông hấp dẫn ở những cấu tứ đẹp và lối viết mượt mà, chắt lọc như thơ.

Người trong giới đồn đại rằng: Ông Băng Sơn viết nhiều về ăn nhưng ngoài đời ông ấy không thích thú chuyện ăn uống, ông xác nhận thông tin ấy như thế nào?

Nói đúng ra, thời trẻ tôi cũng thích ăn: ăn mặn, ăn ngọt, ăn ngày, ăn đêm… đủ cả. Nhưng đến khi có tuổi tự nhiên không thích những cái xô bồ, phàm phũ, chỉ thích những cái thanh cảnh. Nhưng điều quan trọng hơn cả khi viết về ẩm thực, theo tôi chính là diễn tả vẻ đẹp trong cái ăn. Vũ Trọng Phụng có đánh bạc, có đi chơi bời, đi ở bao giờ đâu, thế mà ông ấy viết những tiểu thuyết: “Làm đĩ”, “Lục xì”, “Cơm thầy cơm cô”… hay như thế. Đối với các nhà văn, không cứ phải kinh qua điều gì mới viết được điều đó. Tôi viết về chuyện ăn uống thật nhưng thiên về cái hay, cái đẹp, cái văn hoá trong miếng ăn đó, chứ không viết về cách chế biến món ăn: thịt bao nhiêu gr, đường bao nhiêu gr…

Trong số những nhà văn viết về ẩm thực ở Việt Nam, ông thích người nào?

Nói về những nhà văn hay viết về ẩm thực thì không thể bỏ qua Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và Thạch Lam. Riêng cụ Nguyễn Tuân viết không nhiều, “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam chỉ có “Hàng nước cô Dần”, “Chợ xanh ban đêm” là hay… nhiều bài bây giờ nhiều người có thể viết kỹ hơn.

Theo tôi, ở mảng này đậm đặc nhất vẫn là Vũ Bằng với tập “Thương nhớ 12”. Tôi có cảm giác “Thương nhớ 12” Vũ Bằng không viết bằng mực mà chấm ngòi bút vào bình nước mắt để viết.

Ông ấy xa Hà Nội bao nhiêu năm không có dịp quay lại, sống trong không khí ồn ào tấp nập của Sài Gòn, ngày Tết cởi trần ra uống bia thì mới nhớ cái rét “nghe gió sông Hồng thổi, thương áo len cài vội” đến quay quắt lòng.

Khi ông viết không có ai thúc giục ông, không bị lệ thuộc vào cái gì, không có ông chủ báo nào bức bách, chính vì thế mà nó hay.

Đến khi ông xác định đi theo “con đường ẩm thực” ông có bị những ông khổng lồ trước đó làm cho nhụt chí?

Không, mỗi một người viết văn phải tìm cho mình một con đường, một mảng sống mà ở đấy mình thông thuộc nhất. Và phải tìm được phương pháp viết không giống ai.

Tôi viết mấy bài về phở, không sợ cụ Nguyễn Tuân, tôi viết mấy bài về phố, không sợ Thạch Lam bởi vì mình tìm thấy cái riêng của mình. Có nhà báo nói: Tôi đọc cốm của Băng Sơn thích hơn cốm của Nguyễn Tuân.

Ông có thể cảm nhận được cái riêng “gì đó” của mình không?

Nguyễn Tuân viết ăn cốm phải nhón tay thế này, ngửa lưỡi thế kia, nhưng tôi viết: cốm là những viên ngọc lưu ly, tôi so sánh nó mát như làn da trinh nữ… Đại loại thế.

Nhưng mà cũng phải nói thế này: ẩm thực chỉ là một mảng nhỏ trong những sáng tác của tôi, cạnh ẩm thực tôi còn những mảng khác đậm đặc hơn nhiều.

Viết nhiều về ẩm thực Hà Nội, ông thấy điểm riêng nhất của nó là gì?

Trước hết vì Hà Nội là nơi kinh tế khá giả, muốn ẩm thực ngon thì kinh tế phải khá giả đã. Thứ hai nó là thị trường lớn nên tất cả nguyên liệu thực phẩm quý của cả nước đều dồn về Hà Nội, tôi hay nói vui: Sau tiến vua thì tiến cho Hà Nội.

Và thứ ba là Hà Nội tiếp thu được văn hoá ẩm thực từ 1000 năm nay, tạo ra phong cách riêng: lịch lãm, tinh tế, thanh cảnh, nói như các cụ là “quý hồ tinh bất quý hồ đa” ăn lấy chất chứ không lấy lượng.

Có những thứ chỉ ăn một chén con: xôi vò chè đường chẳng hạn, có ai ăn bằng bát tô đâu. Hay ngày xưa bánh trôi bánh chay đúng là bảy nổi ba chìm: bánh trôi 7 cái trên lá sen, bánh chay 3 viên chìm trong lớp đường.

Cách ăn của người Hà Nội là một sự đối lập với Sài Gòn, Sài Gòn ăn kiểu của người khai hoang: gặp con gì cũng nướng lên, chỉ cần chấm tí muối. Tôi đã gặp cụ Sơn Nam, một nhà văn của Đồng bằng sông Cửu Long, cụ cũng phải công nhận: Người Nam Bộ nói chung ăn kiểu khai hoang, ăn lấy no để tiếp tục cởi trần ra làm.

Tình yêu Hà Nội của ông phải đặc biệt thế nào thì ông mới quan tâm chi tiết đến thú ăn chơi của người Hà Nội như vậy?

Hà Nội cho tôi tất cả: từ học hành, tri thức đến tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống yên ổn hàng ngày…

Tôi có hình ảnh nổi tiếng, từ thời thanh niên đã hay đi xe đạp cọc cạch suốt ngày ngoài đường. Năm nay ốm phải nằm nhà nhiều người nhắn dạo này không thấy ông Băng Sơn đạp xe ra đường.

Đi xe đạp có cái thú từ từ từng guồng một, thích chỗ nào đỗ xuống vỉa hè chỗ ấy, đứng một lúc, quan sát… và những hình ảnh quen thuộc của Hà Nội vào mình lúc nào không biết.

Không phải tôi cố tình làm điệu đi lấy thực tế đâu, cứ phất phơ đi chơi thôi, không mục đích, cái gì vào thì  vào, không thì trôi đi. Nhưng vào thì đọng lại. 60 năm nay tôi đi chơi rông dài thế thì làm gì Hà Nội không thấm vào tôi?

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Các nhà văn và chuyện “ăn, chơi” ảnh 3
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thuở hai mươi

Tác giả những câu thơ làm nức lòng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam: “giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ cô gái thẹn thùng sang nhà hàng xóm/ bên ấy có người ngày mai ra trận/ bên ấy có người ngày mai đi xa...” được bạn bè công nhận là một người phụ nữ của gia đình.

Tình cờ đến nhà cô chơi, được tác giả “Hương thầm” mời cơm trưa với món giả cầy không mắm tôm, rau cần xào chay… tôi nhớ mãi. ấn tượng không chỉ ở sự ngon lành của những món ăn mà còn vì cảm giác dễ chịu, dịu dàng… đối với người cùng ăn.

Ngạc nhiên hơn nữa, ở vào thời điểm này, nữ nhà thơ vẫn duy trì bữa cơm gia đình ngày 2 lần đều đặn...

Thiên hướng “giữ lửa trong nhà” bây giờ hầu như không còn được đa số phụ nữ “hâm mộ” nữa, cô thì ngược lại, ai đã truyền cho cô “bản lĩnh” ấy?

Mẹ tôi. Xưa, nhà tôi đông con, mẹ tôi nói: Trong nhà bao giờ cũng phải có ba thứ: thứ nhất là gạo, thứ hai là chum tương (thời ấy không có nước mắm) và thứ ba là vại dưa.

Bố tôi mất sớm, mẹ một mình nuôi bảy, tám người con nhưng không bao giờ phải vay nợ, trong nhà lúc nào cũng có sẵn lương thực để cho bọn trẻ không bị đói.

Trong nhà tôi, những thứ cần mẹ đều sắm đủ. Không phải như nhiều gia đình bây giờ có mấy cái mở bia nhưng lúc cần thì không biết tìm ở đâu, hoặc mắm, muối, gia vị không biết thứ nào còn, thứ nào hết.

Nếp sống của mẹ ngày xưa ảnh hưởng đến cô bây giờ như thế nào?

Ví dụ bây giờ tôi vẫn tự muối dưa, dù chỉ có hai mẹ con, ăn ít nhưng vẫn làm, tôi không thích đi mua ngoài. Cái thứ hai không thể thiếu trong nhà tôi là lọ ruốc, tôi cũng tự làm, khi bất ngờ mưa gió bão bùng, nhỡ bữa thì vẫn có sẵn thức ăn. Những thói quen ấy tôi thấy mẹ làm từ bé nên quen.

Cô có vẻ tự tin về trình độ muối dưa của mình?

Nhiều khi tôi muối cũng không ngon nhưng vẫn thích tự làm. Theo đúng công thức của mẹ là: hoà muối vào nước ấm rồi gạn sạch, cho một chút đường, đổ ngập dưa, lúc nào chán ăn dưa cải thì muối bắp cải. Có khi tôi mua 2 cân dưa, muối 1 cân, một cân để tủ lạnh, ăn hết mới muối tiếp để không bị chua quá.

Cô tự đánh giá khả năng nấu nướng của mình thế nào?

Xoàng. Nhà tôi có rất nhiều “cao thủ” nấu ăn thành ra mỗi lần giỗ Tết tôi không bao giờ phải vào bếp.

Bây giờ cô có nhắc con gái phải học nấu nướng?

Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm, bọn con gái bây giờ nghĩ khác, công việc của chúng quan trọng hơn. Mỗi thời cũng nên có sự thay đổi.

Công việc của một nhà thơ dẫn cô đi nhiều nơi, món ăn ở nơi nào quyến rũ cô nhất?

Tôi thấy về nhà tự nấu ăn là ngon nhất. Tôi đi Trung Quốc, người ta bảo “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây” thấy chả đúng vì những món ăn của Tàu đều rất, rất nhiều dầu, ăn không nổi, đến mức mà mọi người trong đoàn còn làm thơ đùa: cơm ăn toàn mỡ chan dầu, món gì cũng dầu, nấu canh cũng dầu.

Hay tôi sang Nga người ta đãi tiệc rất sang, thức ăn ê hề nhưng cuối cùng cũng chỉ ăn được cà chua với dưa chuột. Sang Pháp cũng vậy, khách sạn làm bữa sáng rất ngon, bơ, sữa phong phú nhưng cũng chỉ được hai lần là chán. Hay thức ăn trong miền Nam thì món nào cũng ngọt. Tôi đi đâu lâu chỉ mong về nhà ăn rau muống luộc với cà.

Thường cô hay nấu những món ăn loại nào?

Loại đơn giản, phổ biến và không cố định. Lần trước tôi đi ăn cơm mời, thấy nhà người ta kho cá với trám, tương rất ngon, thế là học ngay. Hay con gái đi ăn với bạn thấy có món mướp đắng (khổ qua) thái mỏng cho tỏi, ớt, đường, gia vị trộn vào thành dưa góp về hai mẹ con cũng tập làm.

Cô nấu món gì thì tự tin nhất?

(Cười). Không có món nào cả. Món nào cũng có thể bị hỏng.

Món ăn nào không thể thiếu trong mâm cỗ Tết nhà Phan Thị Thanh Nhàn?

Tết, bất kể có khách hay không tôi thường chuẩn bị sẵn nồi canh măng nấu với ngan, chân giò; thịt bò thì luộc với gừng để sẵn trong tủ lạnh khi ăn mới thái và thứ ba là món dưa muối.

Cô có bao giờ làm mứt Tết?

Ngày trước thỉnh thoảng tôi có làm mứt gừng, mứt bí. Nhưng giờ không ai thích ăn ngọt nên cũng không làm. Trước Tết tôi cứ mua sẵn bưởi, ô mai và cam đỏ, khách thân khách sơ đều đãi như thế.

Một lần đi chợ của cô thường diễn ra như thế nào?

Hôm nào lười đi xa tôi xuống siêu thị, còn hầu như là tự đi chợ. Thói quen đi chợ của tôi là thường không mặc cả. Tính tôi cũng đại khái.

Không bao giờ thấy cô làm thơ về ăn uống?

Không, tại đấy cũng chả phải việc gì để mình xúc động. Tuy vậy, có lần buồn quá tôi đã viết: “Ăn qua loa xong bữa/ Đi làm cho gặp ngày/ Chẳng còn thân ai nữa/ Có chút gì đắng cay”…

Đấy chỉ là “một phút buồn” thôi còn nói chung tôi thuộc loại lạc quan, cố gắng sống vui. Tôi thích ăn uống ở nhà, tự nấu và thỉnh thoảng rủ bạn bè đến cho vui. Các bạn làm thơ của tôi như Phạm Hồ Thu, Bảo Chân… cũng là những tay nấu ăn rất giỏi.

MỚI - NÓNG