Các nhà khoa học : Ngành điện áp đặt và độc quyền!

Các nhà khoa học : Ngành điện áp đặt và độc quyền!
Xung quanh kế hoạch dần thay thế miễn phí toàn bộ 20 triệu bóng đèn sợi đốt bằng bóng huỳnh quang compact của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN), các nhà khoa học đã lên tiếng...

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải: Ngay cả EVN gọi cũng không đúng, phải gọi là bóng đèn dây tóc nóng sáng vì mọi nguồn sáng nhân tạo đều dùng sợi đốt, ngoại trừ điốt phát quang và bóng cảm ứng. Tôi phản đối kế hoạch thay thế 20 triệu bóng đèn sợi đốt bằng bóng huỳnh quang compact của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN). Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở Hương Khê, Hà Tĩnh, điện áp dao động từ 100 tới 240V, khiến các bóng đèn ống huỳnh quang dùng chấn lưu sắt từ dễ bị cháy. Dùng bóng đèn compact huỳnh quang chấn lưu điện tử với hiệu điện thế như vậy càng dễ cháy hơn.

Dùng bóng tiết kiệm điện là đúng nhưng nên dùng nhiều loại bóng khác nhau chứ không chỉ một loại bóng compact huỳnh quang (tuổi thọ 6.000 giờ), đặc biệt là khi VN phải nhập khẩu phần lớn loại bóng này. Tại Hội nghị tháng 7/2005 của Hội chiếu sáng đô thị VN, có nhiều chuyên gia kiến nghị sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện khác nhau. Đại diện của EVN cũng đến dự mà sao không tiếp thu những ý kiến đó của các nhà khoa học Việt Nam? Ngoài ra, nếu chỉ thay thế bóng thôi thì không được, cần phải có choá và đèn đồng bộ.

Nói rằng Rạng Đông mỗi năm sản xuất được 1,5 triệu và Philips Việt Nam là 6,5 triệu bóng đèn compact huỳnh quang là chưa đầy đủ. Hiện nay, Philips chủ yếu nhập khẩu linh kiện để lắp ráp mà thôi. Do vậy, kế hoạch này thực chất chỉ là tiêu thụ đèn cho nước ngoài, trong khi năng lực sản xuất các loại bóng tiết kiệm điện trong nước lại thừa.

Chẳng hạn chỉ riêng Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông hiện có năng lực sản xuất 7 triệu bóng T8/năm. T8 là bóng đèn ống huỳnh quang ''gầy'', đường kính 26mm, tiêu thụ điện 36W, hiệu suất phát quang, tức là hiệu suất biến đổi từ điện năng thành quang năng, tăng 20%. Hơn thế nữa, tuổi thọ của T8 là 16.000 giờ và giá thành chỉ khoảng 15.000 đồng/bóng. Theo thống kê, VN dùng gần 60 triệu bóng đèn dây tóc nóng sáng và 80 triệu bóng đèn ống huỳnh quang nhưng chủ yếu là bóng T10, đường kính 40mm và giá thành chừng 10.000 đồng. T10 là bóng đèn ống huỳnh quang thế hệ cũ, tiêu tốn điện năng 40W, chưa kể chấn lưu sắt từ tiêu thụ khoảng 12W và tuổi thọ chỉ có 6.000 giờ. Đối với một phân xưởng dùng hàng trăm bóng, tăng thêm 1.000 giờ là vô cùng quý vì không phải lúc nào cũng có thể dừng cả giàn máy để thay bóng hỏng.

Ngoài ra, tiền mua bóng mới sau khi bóng miễn phí bị cháy cũng là một vấn đề bởi dân ta còn nghèo, chẳng hạn ở Hương Bình (Hà Tĩnh), nhiều hộ chỉ dùng 5.000-6.000 tiền điện/tháng. Lẽ ra chỉ phải trả 3.000 đồng/bóng dây tóc nóng sáng hoặc bỏ thêm 5.000 đồng để mua T8 thì nay phải bỏ ra chừng 30.000 đồng cho một bóng compact huỳnh quang của Rạng Đông hoặc chừng 50.000 đồng đối với bóng của Philips và bóng Osram. Đây là điều không khả thi. Hơn thế nữa, nhiều người lại ''tham'' hàng rẻ nên có thể mua bóng nhập lậu kém phẩm chất chừng trên dưới 10.000 đồng/cái. Những bóng đèn này lẽ ra phải huỷ ở nước ngoài và mất phí tiêu huỷ nhưng lại được chuyển sang Việt Nam để tiêu thụ với số lượng lớn. Thí nghiệm của tôi cho thấy những bóng kém phẩm chất 11W như vậy chỉ cho quang thông bằng bóng huỳnh quang compact 3W do VN sản xuất.

Hiện còn có nhiều loại bóng đèn tiết kiệm điện khác nữa, chẳng hạn như đi-ốt phát quang (100.000 giờ), bóng cảm ứng điện từ (60.000 giờ), bóng sodium, bóng methane halide, bóng xenon...

Theo tôi, mỗi loại bóng đèn tiết kiệm điện có ưu, nhược điểm khác nhau. Điểm mấu chốt là hướng dẫn nhân dân cách sử dụng các loại bóng tiết kiệm điện khác nhau, loại bóng nào mắc ở những vị trí nào thì phù hợp, phục vụ mục đích sử dụng gì là tốt nhất, bảo hành bảo dưỡng ra sao. Đó chính là trách nhiệm của những người thuộc dự án DMS (Quản lý nhu cầu phụ tải điện). Tuy nhiên, từ tháng 1/2001 cho tới nay, công tác tuyên truyền của DMS về việc sử dụng bóng đèn compact huỳnh quang và đèn ống huỳnh quang trên các phương tiện thông tin không hiệu quả và sai lệch, chẳng hạn như thông điệp tiết kiệm điện trên tivi là: mỗi hộ gia đình hãy tắt một bóng đèn neon 40W. Xin thưa là chẳng ai thực hiện vì bóng neon phát ánh sáng đỏ, thường không dùng cho gia đình mà là cho quảng cáo và trang trí.

Nên bắt buộc các công sở, công ty nhà nước phải sử dụng bóng tiết kiện điện, buộc các công ty thiết kế xây dựng sử dụng các loại bóng đèn sodium, methane halide, xenon, T8, v.v... trong các khu công nghiệp, đô thị và vui chơi giải trí, hướng dẫn nhân dân cách tiết kiệm điện, tổ chức các cuộc thi sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Người tham gia cuộc thi phải chế tạo đèn, chọn chỗ lắp đặt phù hợp, tạo ra các hệ điều khiển bóng đèn trong nhà, chẳng hạn như sau khi đi ra khỏi phòng 1 phút thì bóng tự tắt... Ngoài ra, cần phải thành lập khoa kỹ thuật chiếu sáng tại các trường ĐH và cao đẳng kỹ thuật.

Không được áp đặt!

Các nhà khoa học : Ngành điện áp đặt và độc quyền! ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Tiến Nguyên: Trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta phải thuyết phục, không được áp đặt!

PGS-TS Nguyễn Tiến Nguyên, chuyên viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam): Tiết kiệm năng lượng là một chủ trương tốt song kế hoạch của EVN lại là một biện pháp áp đặt, mang tính độc quyền. Kế hoạch này giống như việc buộc mọi người không được dùng điện thoại cố định mà phải chuyển sang dùng điện thoại di động. Trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta phải thuyết phục, tạo điều kiện để tiêu thụ về mặt thị trường, không được áp đặt, không được tuyệt đối hoá giải pháp, người dùng nhiều điện thì trả nhiều tiền, có người thích dùng bóng sợi đốt nhưng có người lại thích bóng compact huỳnh quang...

Nhiều nơi sử dụng bóng compact huỳnh quang là thì rất tốt song nhiều nơi lại không thuận lợi, chẳng hạn như những chỗ ẩm ướt (nhà tắm...). Đầu tư 2.000-3.000 là đã mua được bóng đèn sợi đốt trong khi không phải ai cũng có thể bỏ ra 50.000-60.000 đồng mua một bóng compact huỳnh quang. Tiết kiệm điện là giải pháp mãi mãi cần song không có nghĩa là có thể giải quyết được nhu cầu tiêu dùng. Có nhiều giải pháp tiết kiệm điện chẳng hạn như tuyên truyền, giáo dục người dân, khuyến khích khen thưởng... Việt Nam là một nước đang phát triển nên nhu cầu điện còn tăng trong tương lai. Do vậy, song song với tiết kiệm điện phải phát triển và đa dạng hoá nguồn điện.

Thay thế, không phải chuyện đơn giản!

Các nhà khoa học : Ngành điện áp đặt và độc quyền! ảnh 2

ThS. Dương Lan Hương: thay thế bóng đèn compact không thích hợp ở những vùng điện áp không đủ hoặc dao động

KS. Trương Quang Vũ, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: Thay thế một bóng đèn compact huỳnh quang vào chỗ bóng đèn tròn để tiết kiệm là một chuyện đơn giản. Nhưng quan trọng hơn là chất lượng chiếu sáng như thế nào? Cần phải có một thiết kế về hệ thống quang học phù hợp đi kèm với bóng đèn mới. Bên cạnh đó, những thiết bị đi kèm bóng đèn compact cũng phải làm đồng bộ, đặc biệt là về quy cách của chóa đèn và lớp sơn phản quang của chóa.

ThS. Dương Lan Hương, Bộ môn Cung cấp Điện, ĐH Bách Khoa TP.HCM: Đối với điện sinh hoạt, dự án thay thế bóng đèn compact không thích hợp ở những vùng điện áp không đủ hoặc dao động. Để bóng đèn compact phát sáng, điện áp phải từ 180V - 260V. Bên cạnh đó, độ chói của bóng đèn compact huỳnh quang hơi cao, nếu làm việc lâu dưới ánh đèn này, đèn compact cần đặt sâu vào trong trần và cần có lớp kính bảo vệ bên ngoài.

Nếu dùng bóng compact huỳnh quang thay thế bóng đèn ống huỳnh quang chiếu sáng cho những nơi có độ rọi cao thì hệ thống dây dẫn và bố trí bóng trở nên phức tạp hơn, do số lượng bóng nhiều hơn. Vì thế người ta ít khi dùng bóng compact huỳnh quang chiếu sáng chung cho các xí nghiệp sản xuất, hiệu quả tiết kiệm điện do bóng compact huỳnh quang mang lại so với bóng đèn ống huỳnh quang là không đáng kể.

MỚI - NÓNG