Các nhà đầu tư sân bay trước đây hồ hởi, nay... đi hết rồi

TPO - Đề cập đến việc xã hội hóa đầu tư cảng hàng không, TS. Lương Hoài Nam cho biết sau một thời gian theo đuổi, hồ hởi, muốn tham gia, đến nay “các nhà đầu tư đi hết rồi”.

“Chưa có đường đi”

Tại cuộc Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 23/6, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và 1 cảng hàng không đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không và ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH tại cuộc tọa đàm

Trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới. Do đó, ông Dũng cho rằng phải đẩy nhanh tiến trình đầu tư, nhất là sân đỗ tàu bay. “Nhà ga có thể chen chúc được chứ sân đỗ tàu bay thì không có cách nào chen cả”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên việc thu hút xã hội hóa hạ tầng cảng hàng không đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết, thời gian vừa qua, có được tham vấn vào một số dự án có ý định xã hội hóa hạ tầng sân bay. Đây là những sân bay hiện hữu, cụ thể là sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận).

Khái quát về những khó khăn, vướng mắc, ông Nam cho biết “chưa có đường đi”. Tức là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa. “Thực tế là sau một thời gian theo đuổi, rất đáng tiếc là các nhà đầu tư trước đây hồ hởi, muốn tham gia vào các dự án sân bay này, thì bây giờ đi hết rồi”, ông Nam nói.

ACV nên thoái vốn để tư nhân vận hành

Thực tế, theo ông Nam vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay đã nói trong 10 năm qua. Nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp và cũng có nhiều chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn không thay đổi được. Để làm được, theo ông cần phải làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề rắc rối nhất, theo ông Nam là xử lý tài sản của ACV hiện nay đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào. Hiện có hai phương án: Một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó và phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa.

Sân bay Phù Cát (Bình Định)

“Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng”, ông Nam đề nghị.

Về quy hoạch sân bay, ông Nam lo ngại, nếu như các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì cơ quan nhà nước làm quy hoạch rồi nói là muốn thực hiện xã hội hóa theo quy hoạch sẽ rất khó kiếm được nhà đầu tư.

Ví dụ như Dự án sân bay Thành Sơn, sau khi hiểu rằng sẽ là sân bay nội địa thì nhà đầu tư không muốn tham gia nữa. Bởi vì để đầu tư rất nhiều tiền vào sân bay mà chỉ bay nội địa không thì lỗ, lỗ nặng luôn. Từ đó, ông Nam đề nghị phải có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay mà cơ quan quản lý có ý định thực hiện xã hội hóa.