Cô H.M, giáo viên trường THPT tại Hà Nội cho rằng, lâu nay giáo viên rất khổ với các loại giấy tờ, chứng chỉ. Trước đó, để đủ điều kiện nâng hạng cô và một số giáo viên đã phải đi đăng ký học tiếng Anh, Tin học. Ở ngay trung tâm Hà Nội nhưng cô M vẫn bị trung tâm cho ăn quả lừa khi đã đóng tiền và học xong mãi không có chứng chỉ. Sau này mới biết, đó là trung tâm “ma”.
Để có đủ chứng chỉ, cô M đã phải đi đăng ký học lại một khoá trong khi chứng chỉ đó không hỗ trợ được gì trong bộ môn Ngữ văn mà cô đang dạy gây mệt mỏi, lãng phí tiền bạc của giáo viên. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khiến giáo viên như được cởi trói tuy nhiên vẫn còn quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khiến giáo viên gặp khó khăn.
Theo cô M., lâu nay giáo viên tập trung dạy học, không nhiều người nghĩ đến việc học cho đủ các loại chứng chỉ để được nâng hạng. “Quy định này nếu không được giải thích đầy đủ sẽ gây lo lắng, hoang mang cho giáo viên. Nhiều người đã vội nghe mời chào của các trung tâm đăng ký học để được nâng hạng”, cô M. nói.
Xung quanh quy định này còn vấp nhiều ý kiến của giáo viên. Trong đó, không ít người cho rằng, đồng lương giáo viên đã thấp, những người làm chính sách lại “đẻ” ra đủ thứ chứng chỉ. Có người năm nay chỉ còn vài năm nữa về hưu nhưng vẫn phải đăng ký học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. “Tôi được thông báo, nếu không học, tôi sẽ bị đánh tụt hạng, khi nghỉ hưu, chế độ lương của tôi cũng sẽ giảm. Như vậy là gây khó khăn, mệt mỏi cho giáo viên”, một cô giáo nói.
Vì thế, nhiều giáo viên có ý kiến, hi vọng sẽ được xem xét, bỏ luôn các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để giáo viên tập trung bồi dưỡng chuyên môn, yên tâm giảng dạy. Nếu duy trì nhiều loại chứng chỉ, giáo viên vừa mất thời gian vừa mất thêm một khoản tiền không nhỏ cho các khoá học hiện được mời chào tràn lan trên mạng với giá khoảng 2,5 triệu đồng.
Việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã diễn ra từ trước. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư mới liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương càng khiến giáo giới xôn xao.
Cụ thể, thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập. Theo thông tư này, có 3 hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học (gồm hạng I, II, III thay vì II, III, IV như trước đây). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình tiểu học, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên tiểu học) trong các trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học, trường chuyên biệt công lập, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục tiểu học (sau đây gọi chung là trường tiểu học công lập).
Theo thông tư mới này, có 3 hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học (gồm hạng I, II, III thay vì II, III, IV như trước đây).
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mới bao gồm:
Giáo viên tiểu học hạng III – Mã số V.07.03.29.
Giáo viên tiểu học hạng II – Mã số V.07.03.28.
Giáo viên tiểu học hạng I – Mã số V.07.03.27.
Bộ GD&ĐT khẳng định, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Do đó, Bộ GD&ĐT nói rằng, muốn bỏ được quy định về chứng chỉ kể trên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
Ngoài ra, thời điểm giáo viên được chuyển từ ngạch giáo viên sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV phải bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng được bổ nhiệm, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Như vậy đến thời điểm này, giáo viên đã có hơn 5 năm để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng được bổ nhiệm.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, giáo viên cần đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT để thực hiện, tránh đăng ký ồ ạt đi học chứng chỉ trong khi chưa cần đến.
Có nên bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?
Nhiều giáo viên chia sẻ lí do xin bỏ chứng chỉ vì: Để được đứng trên bục giảng thầy cô phải mất 3 năm đối với hệ cao đẳng sư phạm, 4 năm với hệ đại học sư phạm. Điều này được đảm bảo bằng trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy và thể hiện trong các văn bằng.
Hàng năm giáo viên vẫn phải tự học bồi dưỡng thường xuyên. Vào đầu năm học, các thầy cô giáo đăng ký ít nhất 4 mô đun và lập kế hoạch tự học của mình gửi về tổ chuyên môn, về nhà trường. Cuối năm, giáo viên sẽ có 2 bài kiểm tra những mô đun tự học do nhà trường ra đề. Kết quả tự học và bài kiểm tra do phòng GD-ĐT đánh giá và xếp loại đạt các mức độ giỏi, khá, trung bình.
Nhiều người nhận định, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian, tiền của giáo viên bỏ ra để đi học lấy chứng chỉ.
Trả lời báo chí, ông Mai Huy Phương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho hay: Theo quan điểm cá nhân thì nên sử dụng kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm làm căn cứ thì nó đã rất phù hợp rồi. Bởi theo quy định hiện hành thì hàng năm, vào dịp hè, giáo viên có thời gian bồi dưỡng thường xuyên gồm nhiều mô- đun thì nó cũng đã khá đầy đủ.
Nên nhiều giáo viên hoàn thành tốt công tác bồi dưỡng này thì nên đưa kết quả bồi dưỡng hàng năm làm căn cứ là đủ rồi, không nhất thiết phải bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp”.