Các kiểu ông hoàng

Các kiểu ông hoàng
TP - Kể cũng không ai như Trọng Tấn, được người ta phong cho “ông hoàng nhạc đỏ”, xong lại phải gửi thông cáo cho báo chí đính chính. Trong khi đó, ối giọng hát muốn trở thành ông hoàng nọ bà chúa kia mà chẳng ai gọi cho…

Chuyện là ngay trước liveshow Trọng Tấn – Bài ca không quên đầu tháng 11 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội, bỗng xuất hiện một poster giống như poster chính thức, nhưng thêm mấy chữ to và đậm “Ông hoàng nhạc đỏ”. Được biết, sau đó, bạn diễn quen thuộc của Trọng Tấn là Anh Thơ trả lời báo chí, đại ý nếu đúng là có chuyện Tấn tự xưng “ông hoàng nhạc đỏ” thì cả anh và ê kíp chương trình “phải rút kinh nghiệm”. Cứ như thể Trọng Tấn là người của cơ quan đoàn thể nào đó mà phía trên vẫn có những người đáng làm “ông hoàng” hơn anh.

Đâm ra, một tuần sau đêm diễn, Trọng Tấn phải ra thông cáo gửi báo chí nói rõ, tại họp báo chương trình, anh và đơn vị sản xuất đã ra mắt báo giới poster chính thức hoàn toàn không có dòng chữ “ông hoàng nhạc đỏ”. Trọng Tấn và ê-kip cũng không hề cho phép và biết tới sự xuất hiện hay tồn tại của poster giả mạo này. Tuy nhiên, sau đó, công ty Đông Đô - đơn vị bán vé cho đêm nhạc lại đứng ra nhận trách nhiệm về poster có chữ “ông hoàng” được họ thiết kế vào phút chót để gây chú ý. Vì thế, có tờ báo cho rằng Trọng Tấn bị “vạ lây” và nói poster kia là giả mạo cũng chưa thật thuyết phục. Vấn đề có vẻ bị nâng cao quan điểm đúng kiểu tư duy của miền Bắc: Mọi thứ phải cứ là phải có tôn ti trật tự, trên kính dưới nhường kể cả trong nghệ thuật.

Trong một poster quảng cáo cho một chương trình ca nhạc sắp diễn ra vào dịp Giáng sinh ở Hà Nội hiện rõ các danh xưng, nào là “ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng”, “diva Ý Lan”, rồi “danh ca Quang Dũng”… Cũng có sao! Trong thị trường ca nhạc, dù ngôi sao có được phong hay tự phong là vua chúa gì đi chăng nữa thì nó cũng chỉ có ý nghĩa như một thương hiệu không chính thức tiện cho việc quảng cáo, bán sản phẩm. Ví dụ, Đàm Vĩnh Hưng bằng cách nào đó đã gắn mình với cụm từ “ông hoàng nhạc Việt” chưa biết đích đáng đến đâu, nhưng sẽ chẳng ai dại gì lấy lại để bị trùng lặp. Nhưng nếu muốn, hoàn toàn có thể dùng những “hoàng đế nhạc Việt” hay “chúa tể nhạc sến” gì đó. Miễn đủ can đảm!

Ông hoàng bà chúa quyền uy lừng lẫy là chuyện của xa xưa, nói gì đến các vị vua chúa trên sân khấu thời nay, ngày ngày vẫn phải đối mặt với thị phi và cả gạch đá theo nghĩa đen. Đàm Vĩnh Hưng từng bị xịt hơi cay ở Mỹ, hay mới đây Tuấn Hưng bị ném ly lên sân khấu tại quán bar… là ví dụ. Lại nhớ, khi được hỏi làm thế nào để chống chọi với tình cảm của người hâm mộ, một ca sĩ mới nổi đã trả lời: “Khán giả của tôi có văn hóa, biết kiềm chế. Họ ý thức được giá trị của họ”. Vấn đề là ngôi sao không thể kiểm soát được khán giả mà chỉ có thể kiểm soát hành xử và văn hóa của chính mình. Và đó có lẽ là cách “tự vệ” tốt nhất.

Với những tên tuổi đủ lớn, mọi danh xưng trở nên không cần thiết. Chẳng hạn, ở các cuộc hòa nhạc quốc tế, chẳng cần giới thiệu: “Sau đây là NSND Đặng Thái Sơn”, để rồi lại mất công giải thích loằng ngoằng về danh hiệu trong khi tên nghệ sĩ đủ nói lên tất cả.

MỚI - NÓNG