Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đều chậm tiến độ, tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Thị phần vận tải có chiều hướng giảm sút theo từng năm.
Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đều chậm tiến độ, tăng vốn ảnh 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư giao thông vận tải đường sắt.

Để thúc đẩy thực hiện các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, Chính phủ đã lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường, tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai, làm rõ tồn tại, nguyên nhân trong quá trình thực hiện và giao các bộ, cơ quan và địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Theo ông, để đáp ứng nhu cầu vận tải, yêu cầu phát triển tại các đô thị lớn, Chính phủ đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và TPHCM. Trong đó, tại Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410 km.

Còn tại TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173 km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

“Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm so với dự kiến, đến nay mới đưa vào khai thác 13 km đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thành phố Hà Nội, TPHCM đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại Hà Nội và TPHCM”, ông Thể cho hay.

Về đường sắt đô thị hiện mới có tuyến Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội được đưa vào khai thác tháng 11/2021, đạt hiệu quả khai thác cao. Theo Bộ trưởng, sau 10 tháng vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%.

Cát Linh - Hà Đông nhu cầu 578 nhân sự

Đối với các doanh nghiệp khai thác các tuyến đường sắt đô thị, ông Thể cho biết, tại thành phố Hà Nội và TPHCM đã thành lập các doanh nghiệp nhà nước để tổ chức quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn và đang tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đào tạo nhân lực quản lý vận hành.

Đến nay, Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội đã tiếp nhận quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1, TPHCM tiếp tục được xây dựng để chuấn bị tiếp nhận quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên trong thời gian tới.

Trong bối cảnh một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đang chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố Hà Nội, TPHCM triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị.

Đến tháng 8/2022, tại Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, nhu cầu đào tạo khoảng 578 nhân sự, trong đó đoạn trên cao cần đào tạo khoảng 476 nhân sự để khai thác, hiện nay đã đào tạo được 130 nhân sự, còn lại đang lên kế hoạch đào tạo. Tại TPHCM, đã và đang thực hiện công tác đào tạo phục vụ tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên…

Chính phủ kiến nghị xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư


Theo Bộ trưởng GTVT, năm 2022, nguồn vốn bố trí đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua Bộ này là 1.837/50.328 tỷ đồng (chiếm khoảng 3,65%); nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng (đạt khoảng 40% so với nhu cầu).

Nguồn vốn của doanh nghiệp (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) chủ yếu dùng cho việc đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải (đầu máy, toa xe...). Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vốn tự huy động năm 2021 là 61 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến là 64,6 tỷ đồng.

Nguồn vốn thu hút từ xã hội hóa, theo số liệu báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 43,2 tỷ đồng để đầu tư vào bãi hàng tại các ga Yên Viên, Đông Anh, và 1.302 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Lợi nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa khu vực tỉnh Bình Dương và TPHCM.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TPHCM, nguồn lực đầu tư cho các dự án đến năm 2022 là 66.011 tỷ đồng, trong đó thành phố Hà Nội là 36.602 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án và TPHCM là 29.408 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn. Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.

Về đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM: để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố Hà Nội, TPHCM khẩn trương triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án trên địa bàn: tuyến số 3 giai đoạn 2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tại TPHCM: đang triển khai chuẩn bị đầu tư tuyến số 5 giai đoạn 1; tuyến số 3A.
MỚI - NÓNG