Các đối tượng trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm nộp lại tiền

Bị can Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội
Bị can Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội
TP - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/5, các phóng viên đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện Bộ Công an về những vụ việc “nóng” xảy ra gần đây như vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, việc mua máy xét nghiệm phòng chống dịch ở nhiều địa phương có mức giá cao bất thường…

Trong cuộc họp, các phóng viên đề nghị đại diện Bộ Công an thông tin thêm về sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong việc nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19. Ngoài Hà Nội, Bộ Công an có kế hoạch mở rộng điều tra ra các địa phương khác trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đối với vụ việc xảy ra ở CDC Hà Nội, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can, cho tại ngoại 1 bị can. Bước đầu điều tra cho thấy, các đối tượng câu kết với công ty thông đồng, nâng khống giá máy lên gấp 3 lần. Đến nay, các đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi này và tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền. 

Ngoài ra, qua nắm tình hình ở các địa phương, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Đồng thời, thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở…

“Khi thanh tra Bộ Y tế hoặc thanh tra các tỉnh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý theo quy định”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, ông Quang cho biết, từ năm 2010 đến nay, Công an Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng, trong đó có đối tượng xử lý nhiều lần và có quan hệ với Đường “Nhuệ”. Nhưng do Đường “Nhuệ” hoạt động rất tinh vi, không lộ diện mà do một số đối tượng khác ra mặt nên chưa có đủ căn cứ để xử lý.

“Băng nhóm của Đường “Nhuệ” là tội phạm có tổ chức, núp dưới doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt có hoạt động từ thiện. Có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với các cơ quan chức năng nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ”, ông Quang nói. 

Đề cập đến dư luận nghi vấn có hiện tượng bảo kê cho hoạt động tội phạm của Đường “Nhuệ”, Thứ trưởng Bộ Công an nói rằng, nghi vấn có bảo kê, chống lưng hay không cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật, có chứng cứ chứng minh cụ thể.

Ông cho biết, Bộ Công an chỉ đạo Công an Thái Bình xem xét vụ việc này một cách toàn diện, triệt để, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, làm công tâm, khách quan. “Đến nay, chuyên án này đang tiếp tục được đấu tranh, tiếp tục khởi tố nhiều đối tượng với các tội danh khác nhau.

Công an cũng thu thập tài liệu, chứng cứ và khi đủ căn cứ sẽ phục hồi điều tra một số vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Quang nói. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thái Bình làm khẩn trương, kiên quyết, không bỏ lọt tội phạm, không chịu ảnh hưởng, tác động của bất kỳ ai với vụ án này, ông nói.

MỚI - NÓNG