Theo đó, nhiều khả năng các CLB Trung Quốc sẽ đưa đội hình U19 hoặc U21 đến dự AFC Champions League 2022. Có nhiều lý do dẫn tới điều này. Đầu tiên là lịch thi đấu bị chồng chéo nhau giữa giải VĐQG Trung Quốc và AFC Champions League. Các đội không thể "phân thân" hôm nay đá giải VĐQG ngày mai đã bay sang Thái Lan hoặc Malaysia dự vòng bảng.
Chưa kể vì chính sách "Zero COVID" của Chính phủ Trung Quốc, khiến các đội khi ra nước ngoài thi đấu sẽ bị cách ly lúc trở về. Theo đó khi cách ly, họ sẽ vắng mặt ít nhất 4 vòng đấu tại giải nội địa.
Vì vậy, sẽ là không thể nếu một CLB vừa dự AFC Champions League 2022 vừa ra sân tại Super League. Lý do nữa là việc hoãn thời hạn chuyển nhượng của Super League, ban đầu từ ngày 15/3 lùi xuống ngày 1/4, trong khi vòng bảng AFC Champions League diễn ra từ ngày 15/4.
Ngày 15/3 cũng là hạn chót để đăng ký cầu thủ dự giải lên AFC. Do chưa chốt được lực lượng trước mùa giải mới nhưng lại phải sớm đăng ký danh sách đá AFC Champions League nên các đại diện Trung Quốc càng rơi vào thế bị động.
Hai lý do trên là đủ để các đại diện Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ AFC Champions League để tập trung vào giải nội địa. Đây là điều mà họ đã làm ở mùa giải trước, khi lực lượng trẻ của Beijing Guan và Guangzhou FC thua liểng xiểng và đứng bét bảng.
Hơn nữa, những đội bóng Trung Quốc càng có lý do bỏ giải châu lục khi tiền thưởng giữa hai giải chênh lệch trời vực. Vô địch AFC Champions League, một đội bóng chỉ bỏ túi 4 triệu USD nhưng nếu đăng quang giải VĐQG, những Beijing Guan và Guangzhou FC sẽ bỏ túi tới gần 40 triệu USD.
Chênh lệch tới 10 lần càng trở thành động lực để các CLB "toàn tâm toàn ý" với giải VĐQG Trung Quốc.