Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo mọi điều kiện để DN Việt vươn ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 suốt thời gian qua, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài luôn nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển và vươn tầm.

Ngày 18/9, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và chia sẻ cơ hội kinh doanh". Chương trình có sự tham gia của ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao; ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore; ông Doãn Khánh Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ; ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội DNT Bà Rịa - Vũng Tàu, lãnh đạo Hội DNT các tỉnh thành và địa phương cùng hàng trăm hội viên Hội DNT Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo mọi điều kiện để DN Việt vươn ra thế giới ảnh 1
Chủ tịch Hội DNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Đình Thắng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Đình Thắng cho biết do tác động tiêu cựccủa đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Hội nghị được tổ chức với mong muốn tăng cường kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, những người có thẩm quyền để tìm kiếm giải pháp, và định hướng kết nối kinh doanh cả trong và sau đại dịch.

Là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các doanh nhân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quan tâm thúc đẩy không những mở rộng thị trườngtrong nước,mà còn mong muốn tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế để giới thiệu tiềm năng hợp tác đầu tư của địa phương, cũng như quảng bá và phát huy những lợi thế đặc trưng của các sản phẩm trong nước. Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao và hy vọng Ngoại giao Kinh tế sẽ đóng vai trò là đòn bẩy tích cực giúp doanh nhân thực hiện khát vọng nâng tầm vươn mình ra thế giới.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo mọi điều kiện để DN Việt vươn ra thế giới ảnh 2
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Về việc này, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Người đã đặt nền móng cho nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế ngày nay.

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển xác định đối tượng trọng tâm phục vụ là người dân, địa phương và doanh nghiệp, đối ngoại và ngoại giao cần phát huy lợi thế đặc thù để kiến tạo môi trường thuận lợi cho người dân, địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tranh thủ tốt nhất các cơ hội hợp tác, tăng cường lợi ích trong quá trình hội nhập quốc tế. Với phương châm “đột phá, mở đường”, “đồng hành”, “phục vụ”, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn là địa chỉ tin cậy giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế.

Trong điều kiện dịch Covid -19 gây ra rất nhiều khó khăn thách thức, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn nỗ lực tổ chức nhiềuchương trình giới thiệu tiềm năng, quảng bá sản phẩm, diễn đàn kết nối đầu tư theo hình thức trực tuyển để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trao đổi, hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao cùng mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn tích cực đồng hành hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp trong nước tăng cường hội nhập quốc tế, phát kiển kinh tế - xã hội.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam với số lượng khoảng 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có khoảng 7.000 doanh nhân với thế mạnh trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, tài chính – ngân hàng, môi trường, công nghệ thông tin, kinh tế thương mại... Việt Nam nằm trong nhóm 10 nướcnhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới, với tổng số 175 tỷ USD trong giai đoạn 1993-2020, riêng năm 2020 đạt 17,2 tỷ USD, dù bà con ta gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Phát huy nguồn lực NVNONN phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế là một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Việc vừa qua Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12/KL-TƯ về công tác NVNONN trong tình hình mới (Kết luận 12), tiếp tục khẳng định nguồn lực to lớn của cộng đồng NVNONN, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kết luận 12 đi vào thực tế cuộc sống sẽ mở ra một làn sóng mới với nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân kiều bào. Đây sẽ là thời cơ quan trọng,doanh nhân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên quan tâm đểcó thể tận dụng, nắm bắt trong thời gian tới.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo mọi điều kiện để DN Việt vươn ra thế giới ảnh 3

Đồng quan điểm trên và khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam luôn hỗ trợ tối đa phục vụ doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm đã cung cấp cho các doanh nghiệp tại hội nghị số điện thoại và hộp thư điện tử của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ,và thông tin liên hệ của Đại sứ để các doanh nghiệp trong nước có thể liên hệ trực tiếp, nhanh chóng tìm hiểu nắm bắt thông tin về thị trường nước sở tại để có cơ sở xây dựng kế hoạch kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác đầu tư,

Đại sứ Doãn Khánh Tâm cho biết giao thương giữa Việt Nam và Mông Cổ hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có đường bay thẳng, các hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu thông qua đường biển với khoảng cách khá xa. Ông cho biết các cơ quan hữu quan của hai nước đang nỗ lực xúc tiến các hoạt động để kết nối thông thương trong thời gian sớm nhất.

"Mông Cổ là một nước ít dân, thế mạnh kinh tế tập trung vào lĩnh vực khai thác khoáng sản và chế biến sản xuất các sản phẩm từ thịt, lông của gia súc như ngựa, dê, cừu,... Điều thú vị là các sản phẩm Việt Nam rất được ưa chuộng tại quốc gia này, có thể kể đến một vài thương hiệu như bia Sài Gòn, mì Cung Đình, Hảo Hảo, hải sản, chè hay các sản phẩm y dược do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên do vận chuyển khá khó khăn nên giá thành còn cao". Đại sứDoãn Khánh Tâm khẳng định, không chỉ Mông Cổ mà tất cả các cơ quan ngoại giao khác luôn sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi cần: "Cơ quan ngoại giao có trách nhiệm phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Và chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận các đơn hàng từ các doanh nghiệp trong nước".

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tạo mọi điều kiện để DN Việt vươn ra thế giới ảnh 4

Từ Singapore, Đại sứ Mai Phước Dũng cũng cho biết thị trường tại quốc đảo sư tử cũng rất ưa chuộng sản phẩm Việt Nam. "Vừa qua chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm hàng hóa Việt Nam theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 nên chỉ có hơn 50 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm, nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Sau cuộc triển lãm đã có hơn 10 đơn hàng được ký kết. Đây có thể xem là động lực cho các doanh nghiệp trong nước tự tin thúc đẩy sản phẩm ra quốc tế."

"Việt Nam và Singapore may mắn có những điều kiện vô cùng thuận lợi để có thể kết nối do khoảng cách gần và văn hóa có nhiều nét tương đồng. Đó là những cơ hội mà DN nên xem xét để có thể kết nối. Các DN có thể liên hệ với chúng tôi và gửi hàng hóa, sản phẩm đến Đại sứ quán Việt Nam hay Thương vụ Việt Nam tại Singapore bất cứ lúc nào để giới thiệu đến khách hàng", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết thêm một trong những điểm sáng trong kết nối hợp tác với Singapore là xuất khẩu lao động. Vừa qua Chính phủ Singapore đã khẳng định vai trò quan trọng của nguồn lao động nước ngoài đối với đất nước này. Ông cho biết Đại sứ quán đang tích cực trao đổi, thúc đẩy tạo điều kiện tốt nhất để đưa người lao động Việt Nam sang Singapore.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.