Đã mất hai thập kỷ để quân đội Trung Quốc tự động hóa hoàn toàn các hệ thống vũ khí, chuyển phần lớn gánh nặng hoạt động từ công nghệ vật lý sang công nghệ kỹ thuật số.
Theo một chuyên gia quân sự, trước đây cần đến hàng chục binh sĩ để phóng tên lửa, thì nay cần ít hơn một nửa con số đó để vận hành, trong khi tên lửa mạnh hơn nhiều.
Nhưng việc huấn luyện quân đội nước này được cho là không theo kịp với những tiến bộ của vũ khí. Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc đã chỉ trích một số chỉ huy vì không áp dụng tư duy hiện đại vào huấn luyện.
Trong một số bài báo được xuất bản vào tuần trước, PLA Daily đã chỉ ra những thiếu sót trong hệ thống huấn luyện của lục quân, nói rằng nhiều cuộc diễn tập trông "rất khó", nhưng "thực sự đã lỗi thời và kém hiệu quả rõ rệt".
"Tất cả các đối thủ đều coi trọng và dựa vào công nghệ trong chiến trường hiện đại", Zhang Xicheng, một nhà nghiên cứu từ Học viện Quân sự PLA, viết trong một bài bình luận được công bố hôm thứ Hai.
“Sẽ rất khó để đạt được thành công nếu chúng ta không thể có những bước đột phá trong đào tạo và không chú ý đến đổi mới chiến đấu”.
Bài báo nhắm vào một số chỉ huy quân đội vì không hiểu biết về công nghệ và cách nó ảnh hưởng đến các hoạt động chiến tranh hiện đại.
Các nhà phân tích quốc phòng cho biết, những lời chỉ trích xuất hiện khi quân đội Trung Quốc đã hoàn thành việc tự động hóa tất cả hệ thống vũ khí để theo đuổi mục tiêu lớn hơn là biến quân đội lớn nhất thế giới thành một lực lượng chiến đấu nhanh nhẹn và có năng lực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết mục tiêu tự động hóa đã đạt được vào năm ngoái. Quân ủy Trung ương cũng đặt mục tiêu biến PLA trở thành một quân đội hiện đại hoàn toàn vào năm 2027, kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập quân đội.
Nhà bình luận quân sự Antony Wong Tong tại Macau (Trung Quốc) nói việc tự động hóa các hệ thống vũ khí là một phần trong quá trình chuyển hướng sang các hoạt động chung.
Thay vì từng nhánh của các lực lượng vũ trang hoạt động độc lập theo kiểu Liên Xô, họ đang được yêu cầu làm việc cùng nhau, được kết nối bởi Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), còn được gọi là cánh tay mạng của quân đội.
“Hệ thống hoạt động của lực lượng lục quân PLA là sự pha trộn giữa phong cách của Mỹ và Liên Xô cũ, trong khi lực lượng không gian mạng của họ trong SSF đã học được hầu hết những điều cần thiết từ quân đội Mỹ,” Wong nói.
Một ví dụ về hoạt động của SSF là vai trò hàng đầu của lực lượng này trong việc tích hợp hệ thống chỉ huy của hơn 10 đơn vị phòng không lục quân vào hệ thống cảnh báo sớm cho lực lượng không quân ở Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây, PLA Daily đưa tin hôm thứ Ba.
“Việc tích hợp vào hệ thống mạng cảnh báo sớm của lực lượng không quân không chỉ cho phép chúng tôi nhìn xa hơn mà còn hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc phát hiện sớm và tấn công trước”, chỉ huy đại đội lục quân Li Bolin được trích dẫn cho biết.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho biết lực lượng lục quân đang chịu áp lực phải biến các đơn vị cồng kềnh của họ thành các đội chiến đấu nhỏ hơn và linh hoạt được trang bị vũ khí mới hơn, nhẹ hơn và chính xác hơn.
Ông nói: “Những hệ thống vũ khí mới này nhẹ hơn nhưng mạnh hơn nhiều so với những hệ thống vũ khí phụ thuộc vào sức người để vận hành trong thế kỷ trước.
Ví dụ: nhiều hệ thống tên lửa phóng và pháo có thể bắn nhiều đạn hơn nhiều lần so với thế hệ pháo trước đó và có tỷ lệ bắn trúng cao hơn. Chúng cũng cần ít người hơn.
“Trước đây, một hệ thống phóng cần ít nhất một chục binh sĩ để vận hành nó, nhưng sau khi cơ giới hóa, chỉ cần bốn hoặc năm người là đủ”, Zhou nói.