Ca trù sắp thoát hiểm?

Ca trù sắp thoát hiểm?
TP - Đưa ca trù thoát khỏi tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp”, lại một lần nữa được hâm nóng, tại Hội nghị đánh giá kiểm kê di sản văn hóa ca trù toàn quốc ngày 13-10 tại Hà Nội.

Nghệ nhân thế giới hát ca trù hằng đêm ở Hà Nội
> Triển lãm ảnh quy mô về di sản Việt Nam

Không biết ca trù vẫn kiểm kê!

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc, dẫn số liệu, ở thời điểm làm hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù, có khoảng trên 150 người biết đàn hát. Theo số liệu của kiểm kê năm 2009-2011, con số này khoảng trên 500 người tham gia các CLB ca trù trên toàn quốc. Điều đó chứng tỏ sau khi di sản được tôn vinh, xã hội để mắt hơn đến loại hình nghệ thuật này. Nhưng con số này chưa thể coi là căn cứ chính xác, để đưa ra chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình băn khoăn, con số thống kê chính xác tới đâu: bởi riêng tỉnh Quảng Bình có 108 người biết đàn, hát; trong khi cả nước mới có hơn 500 người. Lo ngại này không phải không có căn cứ, khi bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Hưng Yên đồng quan điểm nên hồ nghi tính chính xác của các đợt kiểm kê.

“Người không hiểu biết về ca trù, âm nhạc cũng đi kiểm kê, làm sao biết người hát có đúng thể cách ca trù hay không? Chưa kể đến, nhiều khi bản thân người hát cũng không biết thể loại mình đang hát có đúng là ca trù hay không. Kiểm kê cho xong thì dễ, làm một cách chính xác mới đáng nói”, vị đại diện Hưng Yên nói. Thực trạng này không chỉ riêng ở Hưng Yên. Đại diện nhiều tỉnh, thành thừa nhận bản thân chính quyền địa phương không phải khi nào cũng quan tâm sát sao.

Kiểm điểm lại hệ thống di sản ca trù vốn được xem trọng, từ đó mới nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo tồn di sản một cách chính xác, hiệu quả nhất. Vì lẽ đó, bản thân các địa phương hiến kế: Tổ chức tập huấn kiểm kê cho, quy định độ tuổi kiểm kê sao cho họ có thể đi suốt quá trình vài năm một. Điều quan trọng không kém là Viện Âm nhạc, đơn vị tổ chức đưa ra minh họa, băng đĩa giúp người đi đo đếm di sản có cơ sở vững chắc hơn. Nhưng không chỉ kiểm kê cho có, cần phải hành động ngay: Số nghệ nhân giàu kinh nghiệm đang ở mức báo động đỏ.

Dự án 3,5 tỷ đồng

Viện Âm nhạc lập và trình Bộ VHTT&DL dự án “Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy và kiểm kê Ca trù năm 2012”, thuộc chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản, kinh phí dự kiến 3,5 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, đơn vị này tiếp tục đệ trình các dự án dài hơi cho đến năm 2020 và hơn nữa. Ngoài ý kiến phát biểu tại hội nghị, địa phương gửi văn bản góp ý cho dự án bảo tồn ca trù đang chờ Bộ duyệt.

TS Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Văn hóa phát biểu: “Để đảm bảo đề án được phê duyệt, chúng ta cần đầu tư, sao cho ý tưởng đó được các nhà khoa học đánh giá cao. Tôi hi vọng chúng ta có đề án trình cả Chính phủ, chứ không chỉ dừng lại ở Bộ VHTT&DL; đồng thời khuyến nghị Chính phủ gửi văn bản gửi địa phương để bảo vệ, có kinh phí cho bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, một mối lo khác trong bảo tồn di sản, đó là nhiệt tình mà không có chuyên môn dễ đẩy di sản đến nguy hiểm hơn”.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng, không cần bàn tầm quan trọng của dự án bảo tồn ca trù. Điều cần làm là xác định được ai chịu trách nhiệm, ai thực hiện, thực hiện thế nào. “Mở các CLB ca trù, lớp dạy học sao cho không mang tính tràn lan, chỗ nào có điều kiện nhất thì làm. Bộ VHTT&DL, Viện Âm nhạc, thực hiện vai trò điều hành, tổ chức liên hoan khu vực, toàn quốc định kỳ. Ở đây còn có khái niệm cần làm rõ-cứ phải già mới được gọi là nghệ nhân?” - ông nói.

GS Tô Ngọc Thanh mặt khác không đồng tình với giải pháp đưa ca trù vào trường học, bởi ngay thời của ông không phải ai cũng biết, mê ca trù. Trong khi thời đại này có quá nhiều lựa chọn, việc tạo dựng công chúng cho ca trù cũng phải “từ từ mà vội”. Quan trọng là phải tạo ra sự hấp dẫn với lớp trẻ, cần có những tài liệu giải thích cái hay, cái đẹp của bộ môn này.

Khai mạc Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011

Tối qua tại Viện Âm nhạc (Hà Nội), nghệ nhân ca trù của hơn 10 tỉnh, thành tụ hội trong đêm mở đầu liên hoan các đơn vị nghệ thuật, CLB Ca trù. Một số nghệ nhân nổi tiếng trình diễn: Ca nương-Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc, NSƯT Kim Đức; kép đàn Nguyễn Phú Đẹ, Vũ Văn Khoái. Liên hoan kết thúc đêm 16-10, với lễ tổng kết, trao giải, công diễn tiết mục xuất sắc trong số 23 đơn vị tham gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG