Cá tra và tôm trĩu nặng nợ

Người nuôi cá tra căng biểu ngữ, gọi loa đòi nợ doanh nghiệp chế biến là hình ảnh quen thuộc ở ĐBSCL. Ảnh: Sáu Nghệ
Người nuôi cá tra căng biểu ngữ, gọi loa đòi nợ doanh nghiệp chế biến là hình ảnh quen thuộc ở ĐBSCL. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Hai ngành hàng thủy sản chủ lực ở ĐBSCL, cá tra và tôm, chưa ra khỏi cơn khủng hoảng nợ từ cuối năm 2011. Nhận xét về ngành cá tra hiện nay, ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nói: “Đã phá sản từ năm 2012, đến nay chưa thoát được đáy khủng hoảng”.

Bài 1: Cá tra ở đáy khủng hoảng

Doanh nghiệp chiếm dụng vốn

Trời mưa, ông Huỳnh Văn Thế ở xã Ba Trinh (Kế Sách, Sóc Trăng) nói trong nghèn nghẹn: “Tôi nuôi 2,5 ha mặt nước, từ năm 2008, sản lượng một năm hơn nghìn tấn, từng là tỷ phú cá tra nhưng bây giờ đang lo trắng tay do một hợp đồng bán cá kéo dài cả năm chưa đòi được tiền”. Theo ông Thế, hợp đồng ký ngày 8/5/2013, bán 930 tấn cá cho Cty CP Việt An ở phường Mỹ Thới (Long Xuyên, An Giang). Trong đó cam kết, ông Thế chở cá đến nhà máy và Cty Việt An thanh toán tiền “vào thời điểm sau 30 ngày kể từ ngày hoàn thành việc bắt cá”. Ngày 4/8/2013, ông Thế giao xong cá, trị giá hơn 23,4 tỷ đồng nhưng đến nay, còn bị Cty Việt An nợ hơn 10,2 tỷ đồng.

Ngày 17/4/2014, TGĐ Cty Việt An Lưu Bách Thảo làm kế hoạch trả nợ 7 lần, đến 30/5 dứt điểm, đề nghị ông Thế “hỗ trợ và chấp thuận”. Ông Thế thông cảm với Cty Việt An nhưng một lần nữa lại bị hứa lèo. “Tôi vừa phải vay ngân hàng 9 tỷ đồng để duy trì việc nuôi cá tra, kéo dài cảnh này không khéo phải bán nhà trả nợ”, ông Thế nói.

Được biết, ông Thế không phải là người bị nợ nần kéo dài duy nhất. Cuối năm ngoái, Cty Việt An đã bị kiện ra tòa đòi hơn 11,3 tỷ đồng, nợ tiền cá tra của Cty CP Thủy sản Cổ Chiên (Cty Cổ Chiên) ở TP Cần Thơ. Bên đòi nợ phải ủy quyền cho luật sư Nguyễn Trường Thành và vị luật sư này yêu cầu thi hành án kê biên nhà máy của Cty Việt An thì đầu năm nay, nợ mới được trả dứt điểm. 

Tình trạng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp chế biến cá tra diễn ra mấy năm nay, đã đẩy nhiều “tỷ phú nuôi cá tra” vào cảnh khốn cùng mà gia đình ông Hồ Văn Nghĩa là một ví dụ. Gia đình ông Nghĩa ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) bán cá tra cho Cty CP Xuất nhập khẩu Việt Ngư (Cty Việt Ngư) ở TP Long Xuyên (An Giang) bị nợ tiền nhiều tháng, đến cuối năm 2011 phải kiện ra tòa để đòi hơn 4,7 tỷ đồng. Hai năm sau trả được một phần, nợ còn 3,1 tỷ đồng thì Cty Việt Ngư đóng cửa.

Gia đình ông Nghĩa trắng tay, cơ ngơi nuôi cá bỏ hoang, còn phải nợ lại ngân hàng và người thân gần 2 tỷ đồng.

Rớt giá, giảm chất lượng, vì đâu?

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng, cho rằng ngành chế biến xuất khẩu cá tra đòi hỏi vốn lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp có hạn nên dẫn tới chiếm dụng vốn người nuôi và dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư kinh doanh. Ông Dũng thống kê nợ của 10 doanh nghiệp chế biến cá tra, thời điểm cuối năm 2013, gần 98% là nợ ngắn hạn. Có doanh nghiệp nợ ngắn hạn chiếm 100% tổng số nợ, còn Cty Việt An nợ ngắn hạn hơn 99,7%.

Ba địa phương chiếm tỷ trọng lớn trong ngành cá tra là Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang, có 85 doanh nghiệp ngành hàng, nay chỉ khoảng một nửa hoạt động ổn định, còn lại cầm chừng, đóng cửa hoặc chuyển sang nghề khác. Cuộc khủng hoảng kéo dài đã làm chất lượng cá tra giảm toàn diện. 

Sáng 10/7, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản và đại diện các địa phương vùng ĐBSCL bàn việc quy hoạch nuôi cá tra. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Thị Thu Hồng, băn khoăn: tại sao hệ số chế biến cá tra 2,5-2,7 mà thống kê năm 2013, sản lượng cá tra hơn 1,1 triệu tấn, lại có đến 741.535 tấn sản phẩm chế biến xuất khẩu (hệ số chỉ gần 1,5)? Chủ tịch Hiệp hội Cá tra, ông Nguyễn Việt Thắng, nói ngay, do thêm nước vào và bơm nước trong thịt cá. 

Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra, ông Hồ Văn Vàng kể: Trước năm 2009, cá tra chất lượng cao được nước ngoài ưa thích nên xuất khẩu tăng, nhưng từ năm 2010, nhiều nhà xuất khẩu cạnh tranh bằng cách hạ giá, sau đó bơm nước vào thịt cá, làm cho cá vừa lạt vừa bở, bị người tiêu dùng quay lưng. Vì thế, giá cá tra phi lê xuất khẩu, chục năm trước trên dưới 4 USD/kg, nay chỉ còn một nửa. Kim ngạch xuất khẩu cũng liên tục giảm, 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu của hải quan, hai thị trường lớn nhất là Mỹ giảm 24,7%, EU giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chất lượng giống cá tra cũng giảm đáng báo động. Ông Huỳnh Văn Thế cho biết, giống tốt nuôi 6-8 tháng là thu hoạch, nhưng gặp giống xấu nuôi 12 tháng mới thu hoạch. Ông Trần Văn Hùng, TGĐ Cty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp, cho biết thêm. “Doanh nghiệp chạy xa sông cả rồi. Tôi có 42 ha ngoài đó cũng đang phải chuyển vào nội đồng, trong này hao hụt chỉ 10-20%, nuôi 6 tháng đã thu hoạch vì kiểm soát được môi trường”.

Doanh nghiệp chế biến cá tra chiếm dụng vốn của người nuôi xảy ra nhiều năm rồi mà không ai làm gì được, hợp đồng ghi thanh toán tiền sau 30 ngày nhưng kéo dài có khi đến vô tận. Nay những hộ nuôi nhỏ lẻ chết gần hết rồi, còn những hộ lớn cũng lao đao.

Giám đốc HTX cá tra Thới An (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải

MỚI - NÓNG